Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng thuận buồm xuôi gió trong việc mang bầu và sinh nở. Có trường hợp mệt mỏi, ăn kém, nôn ọe, đó là những hiện tượng nhiễm độc thai nghén. Sau một thời gian có hiện tượng mỏi lưng, đau bụng, bụng dưới căng có cảm giác sạ xuống, âm đạo ra huyết dịch là do thai động không yên.
Sau đó đau bụng dữ dội, hoặc ra máu nhiều dẫn đến đọa thai và sẩy thai. Khi thai nhi chưa được 3 tháng tuổi thì gọi là tiểu sản hoặc bán sản. Nếu không đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân mà điều trị thì sau đó cứ mang thai đến chu kỳ lại sẩy thai. Đông y gọi là hoạt thai.
-Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sẩy thai
+ Khí huyết hư nhược: Khi mang thai cơ thể của phụ nữ thường suy yếu, hoặc sau khi mang thai bị ốm đau, làm cho khí huyết hư suy, mạch thái xung và mạch nhâm suy yếu, không điều hòa được khí huyết để nuôi dưỡng thai nhi.
+ Do tỳ hư: Vì ăn uống kém dẫn đến tỳ dương hư, tỳ khí suy nhược không vận hóa được thủy cốc để sinh huyết, làm tổn hại đến hai mạch xung, nhâm, không đủ huyết để nuôi dưỡng được thai nhi đang có nhu cầu phát triển rất lớn.
+ Do thận âm hư: Làm cho bẩm thụ tiên thiên của thai nhi không đủ, lại sinh hoạt tình dục nhiều làm tổn hại thận khí, khí không đủ để giữ thai nhi mà dẫn đến sẩy thai.
+ Do khi mang thai bị lo nghĩ quá nhiều, hoặc do buồn phiền làm can khí uất, khí trệ, tình chí bị uất kết, khí huyết không lưu thông, thai nhi bị thiếu khí huyết nuôi dưỡng, làm động thai dẫn đến sẩy thai.
+ Do âm hư làm huyết nhiệt: Khi mang thai phần nhiều phụ nữ thường bị âm hư hỏa vượng, hoặc ăn uống những thức ăn có chất cay nóng, nhiệt độc tích lại ở hai mạch xung, nhâm làm bào cung(tử cung) nóng lên co bóp, thai nhi không được nuôi dưỡng dẫn đến sẩy thai.
+ Do chấn thương: Hoặc vấp ngả hoặc làm một việc quá gắng sức, cũng có trường hợp thụ thai thời gian chưa đủ để bào thai bám chặt vào tử cung, lạm dụng siêu âm quá nhiều lần, trong một giai đoạn ngắn kỷ thuật viên nặng tay đầu dò của máy siêu âm đè nặng vào thành tử cũng là một trong những nguyên nhân làm sẩy thai.(trong trường hợp này sau khi làm siêu âm thấy đau bụng hoặc chướng bụng khó chịu).
-Phương pháp điều trị
Các thế hệ thầy thuốc đông y đã nghiên cứu đúc kết hơn 60 bài thuốc điều trị an thai áp dụng cho một số nguyên nhân nói trên. Chúng tôi xin giới thiệu một số bài điển hình.
Bài “An điện nhị thiên thang”gồm: Bạch truật 20g, biển đậu 16g, đỗ trọng 12g, Hoài sơn 12g, thục địa 12g, cẩu kỷ tử 8g, chích thảo 4g, sâm cao ly 12g, sơn thù 8g, bạch thược 12g. Trong bài: Bạch truật, nhân sâm, thục địa, sơn thù, kỷ tử có tác dụng kiện tỳ bổ thận để trị gốc. Đỗ trọng, hoài sơn, bạch thược để an thai. Bài thuốc có tác dụng kiện tỳ bổ thận an thai.
Điều trị trong trường hợp phụ nữ có thai đau bụng có cảm giác thai trệ xuống, thai động không yên, dọa sẩy thai. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn khi thuốc còn ấm. Uống khoảng 3 đến 7 thang.
Bài “An thai ẩm” gồm: Bạch thược 12g, chích thảo 6g, hoàng kỳ 12g, thục địa 12g, xuyên khung 8g, bạch truật 12g, đương qui 12g, sâm cao ly 12g, tô ngạnh 12g. Trong bài hoàng kỳ, nhân sâm, bạch truật, cam thảo để dưỡng khí. Thục địa, xuyên khung, đương qui để hòa huyết; bạch thược, tô ngạnh để an thai. Bài thuốc có tác dụng dưỡng khí hòa huyết an thai. Điều trị trong trường hợp khi mang thai khí huyết kém thai động không yên. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày uống sau khi ăn.
Bài “Đỗ Hoài an thai” gồm: Bạch thược, đỗ trọng, hoàng kỳ, sinh địa, thỏ ty tử, tục đoạn, bạch truật, đương qui, nhân sâm, tang ký sinh, trử ma căn đều 12g. Trong bài: Nhân sâm, hoàng kỳ, bạch thược, sinh địa có tác dụng bổ khí dưỡng huyết. Đỗ trọng, tục đoạn, tang ký sinh, thỏ ty tử để bổ thận. Bạch truật, hoàng kỳ để an thai. Bài thuốc có tác dụng điều trị chứng hoạt thai. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.
Bài “An thai hòa khí ẩm” gồm: Cam thảo 4g, chỉ xác 12g, hoắc hương 8g, hoàng cầm 8g, sa nhân 8g, tô diệp 4g, cát cánh 8g, hậu phác 4g, hồi hương 6g, ích trí nhân 8g, thương truật 8g, trần bì 8g. Bài thuốc có tác dụng an thai hòa khí. Phụ nữ có thai 2- 3 tháng bị té ngã hoặc bị đánh đập, hoặc bị chấn thương khác làm thai khí không yên, ăn uống kém, nôn mửa, thai động, dọa sẩy thai.
TTND.BS cao cấp Nguyễn xuân Hướng