Chứng minh mình am hiểu khoa học, bé trai suýt trả giá bằng mạng sống

Nhầm cây độc là khoai môn, cậu bé 15 tuổi suýt mất mạng khi nếm thử để chứng minh với bạn bè.

Mới đây, tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, một cậu bé 15 tuổi vào lúc đi chơi cùng bạn bè đã phát hiện một loại cây giống khoai môn mọc hoang dã trong tự nhiên và khẳng định đó chính là khoai môn. Để chứng minh quan điểm của mình là đúng, cậu bé đã ngay lập tức cắn một miếng vào thân cây. Nào ngờ, ngay khi vừa cắn vào thân cây, cậu bé lập tức cảm thấy môi tê dại, sưng phồng và tim đập nhanh. Hóa ra, cây mà cậu bé cắn vào không phải là cây khoai môn mà là cây "Tích Thủy Quan Âm" hay còn gọi là "Khoai môn độc" ở Trung Quốc.

Tuy rằng thân, rễ đều có độc nhưng Tích Thủy Quan Âm lại là loại cây cảnh được nhiều người ưa chuộng nhờ ý nghĩa phong thủy tốt.

Tuy rằng thân, rễ đều có độc nhưng Tích Thủy Quan Âm lại là loại cây cảnh được nhiều người ưa chuộng nhờ ý nghĩa phong thủy tốt.

Sau khi thấy cậu bé có dấu hiệu trúng độc, bạn bè đã nhanh chóng đưa cậu đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị ngộ độc "aconitine" và xác nhận rằng "khoai môn" mà cậu bé ăn nhầm thực chất là một loại cây cảnh phổ biến gọi là "Tích Thủy Quan Âm".

Bác sĩ cho biết dù được ưa chuộng trồng làm cây cảnh, là biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc, hút vận khí tốt, xua đuổi vận khí xấu cho người hợp mệnh tránh khỏi những điều không may, xui xẻo trong công việc và gia đình nhưng thực tế, thân rễ của loại cây này chứa thành phần độc aconitine, nếu ăn phải sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc tương ứng, trong trường hợp nghiêm trọng nhất có thể gây ngừng tim đột ngột dẫn đến tử vong.

Theo tìm hiểu, "Tích Thủy Quan Âm" là một loại cây cảnh lá xanh. Do thân rễ của nó có hình dạng giống khoai môn nên rất dễ bị nhầm lẫn và ăn nhầm. Thân rễ của cây này có độc, nếu vô tình tiếp xúc với nhựa cây, da sẽ bị ngứa, tê, đau nhói và sưng phồng. Nếu vô tình ăn phải thân hoặc lá, ngay cả với số lượng nhỏ cũng có thể gây ngứa, sung huyết, sưng phồng ở miệng, lưỡi và cổ họng, nôn mửa và tiêu chảy. Trong trường hợp ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ ngạt thở, liệt hô hấp và ngừng tim đột ngột.

Để phân biệt "Tích Thủy Quan Âm" và cây khoai môn, có thể nhận biết qua hình dạng bên ngoài: "Tích Thủy Quan Âm" có điểm màu tím ở giữa lá, trong khi khoai môn thì không. Lá của cây "Tích Thủy Quan Âm" có màu sẫm hơn, trong khi lá khoai môn tương đối nhạt. Thân rễ của "Tích Thủy Quan Âm" lớn hơn, trong khi khoai môn ngắn hơn.

Theo Đời sống
back to top