Khuyến nghị mua CTG với giá mục tiêu 32.100 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) công bố KQKD năm 2022 với tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) đạt 64,6 nghìn tỷ đồng (+21,5% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 16,9 nghìn tỷ đồng (+20,0% YoY), lần lượt hoàn thành 104,2% và 102,8% dự báo cả năm.
Lợi nhuận tăng chủ yếu do (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 14,7% YoY và (2) thu nhập ngoài lãi (NOII) tăng 46,5% YoY, bị ảnh hưởng một phần bởi chi phí HĐKD (OPEX) tăng 12,3% YoY và chi phí dự phòng tăng 31,5% YoY.
LNST sau lợi ích CĐTS quý 4 năm 2022 đạt 4,3 nghìn tỷ đồng (+27,6% QoQ & +46,0% YoY). VCSC nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo lợi nhuận cho CTG, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Số dư trái phiếu doanh nghiệp quý 4/2022 giảm 58,9% QoQ, chiếm 0,4% dư nợ tín dụng của CTG – mức thấp nhất trong các ngân hàng TMCP quốc doanh. Số dư trái phiếu doanh nghiệp trên dư nợ tín dụng tính đến quý 4/2022 tại VCB và BID lần lượt là 1,0% và 0,8%.
NIM giảm QoQ và gần như đi ngang YoY. CTG báo cáo NIM gần như đi ngang đạt 2,98% (-3 điểm cơ bản YoY) trong năm 2022 so với 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ổn định ở mức 12,2% YoY phần nào giúp NII năm 2022 tăng 14,7% đạt 47,9 nghìn tỷ đồng.
NIM quý 4/2022 giảm 11 điểm cơ bản QoQ do chi phí huy động (COF) tăng 70 điểm cơ bản QoQ cao hơn mức tăng 57 điểm cơ bản QoQ trong lợi suất tài sản sinh lãi (IEA yield). CTG duy trì tỷ lệ CASA ở mức 20,0% trong quý 4/2022 so với 20,5% trong quý 3/2022 và 20,1% trong quý 4/2021.
CTCK khuyến nghị quan tâm cổ phiếu nào phiên 8/2? |
Khuyến nghị mua GDT với giá mục tiêu 40.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): GDT công bố KQKD Q4/2022 với doanh thu tăng 6% YoY nhưng LNST giảm 20% YoY. Doanh thu và LNST năm 2022 tăng 18% và 12% YoY, lần lượt hoàn thành 107% và 106% dự báo.
Nhu cầu của người tiêu dùng yếu và tình trạng giảm hàng tồn kho trong chuỗi giá trị ảnh hưởng lượng đơn đặt hàng của khách hàng. Tuy nhiên, tình hình đã hạ nhiệt vào quý 4/2022 khi doanh thu phục hồi 66% từ mức thấp của quý 3/2022.
Biên lợi nhuận gộp của GDT duy trì ở mức cao là 30% trong quý 4/2022 so với mức 29,2% trong quý 4/2021. Trong cả năm 2022, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 33,7% so với mức 30,1% trong năm 2021, cao hơn kỳ vọng.
Tuy nhiên, khoản lỗ tỷ giá đã ảnh hưởng lợi nhuận của GDT do các hợp đồng xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng do đồng USD trượt giá trong quý 4/2022. Công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 150.000 USD trong kỳ.
Theo ban lãnh đạo, đơn đặt hàng của khách hàng đối với các sản phẩm gỗ nhỏ (ngành kinh doanh chính của GDT) vẫn còn yếu. Trong khi đó, nhà máy nội thất nhỏ hơn mà GDT mua lại đang hoạt động ổn định với lượng backlog đơn hàng đã lấp đầy công suất sản xuất của quý 1/2023. Tuy nhiên, việc mua lại này vẫn chưa được hoàn tất do các vấn đề pháp lý về sử dụng đất.
Lực lượng lao động của GDT ổn định ở mức 1.075 vào cuối năm 2022 so với 1.154 vào giữa năm 2022 và 1.223 vào cuối năm 2021.
Khuyến nghị mua DGW với giá mục tiêu 55.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): DGW đã công bố KQKD năm 2022, bao gồm doanh thu đạt 22,1 nghìn tỷ đồng (+5% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 684 tỷ đồng (+4% YoY), hoàn thành 96% và 100% dự báo cả năm tương ứng. Doanh thu từ mảng ĐTDĐ thấp hơn kỳ vọng, nhưng doanh thu từ mảng hàng tiêu dùng vượt kỳ vọng.
Trong quý 4/2022, doanh thu của DGW đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (-48% YoY) với LNST sau lợi ích CĐTS đạt 156 nghìn tỷ đồng (-52% YoY).
Doanh thu từ mảng ĐTDĐ (49% tổng doanh thu năm 2022) giảm 49% YoY trong quý 4/2022, nguyên nhân chủ yếu do (1) doanh số bán Xiaomi thấp cùng với (2) nguồn cung iPhone toàn cầu thiếu hụt do cam kết của Trung Quốc đối với các biện pháp zero-COVID trong khi quý 4/2021 là mức cơ sở so sánh cao cho doanh số bán iPhone của các nhà bán lẻ và nhà phân phối ĐTDĐ. Trong năm 2022, doanh thu từ mảng ĐTDĐ tăng 9% YoY nhờ doanh số bán iPhone vượt trội so với các thương hiệu khác tại Việt Nam.
Doanh thu laptop & máy tính bảng (32% tổng doanh thu năm 2022) giảm 64% YoY trong quý 4/2022 và giảm 11% YoY trong năm 2022 do nhu cầu giảm so với mức cơ sở cao trong nửa cuối năm 2021 khi nhu cầu làm việc từ xa tăng mạnh do các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong quý 4/2022, doanh thu từ mảng thiết bị văn phòng giảm 2% YoY; tuy nhiên, doanh thu từ mảng hàng tiêu dùng tăng 47% YoY nhờ đóng góp mới từ các thương hiệu mới.
Biên lợi nhuận ròng quý 4/2022 đã tăng 3,8 điểm phần trăm YoY lên 11,5%, mà VCSC cho rằng một phần nhờ vào đóng góp lớn hơn từ tổng doanh thu của các danh mục mới nổi có biên lợi nhuận gộp khoảng 11%-15% như thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng, đã tăng 6 điểm phần trăm YoY lên 8% trong quý 4/2022. Biên lợi nhuận ròng năm 2022 của DGW đạt 3,1%, phù hợp với mục tiêu biên lợi nhuận ròng trung hạn của DGW là 3,0%.