Chữa viêm amidan bằng Đông y

(khoahocdoisong.vn) - Viêm amidan là bệnh chứng phổ biến nhất là ở trẻ em bên cạnh điều trị bằng y học hiện đại, chữa viêm amidan bằng Đông y cũng có nhiều hiệu quả.

Trong Đông y, viêm amidan thường gọi là bệnh “nhũ nga”. Viêm amidan cấp tính thường gọi “phong nhiệt nhũ nga”,  còn viêm amiđan mạn tính thường gọi “hư hỏa nhũ nga”. Viêm amidan là một bệnh thường gặp trong các bệnh đường hô hấp, mà hay gặp nhất là trẻ em.

Nguyên nhân gây ra bệnh amidan phần nhiều do viêm nhiễm, khi thời tiết thay đổi, ăn uống nóng lạnh  bất thường, nhất là những người vốn phế vị nhiệt lại hay ăn thức ăn cay nóng, hoặc người vốn phế vị  hàn hay ăn thức ăn nguội lạnh,  hoặc đi ra ngoài trời lạnh không giữ ấm  khiến  hàn tà nhiễm ngưng kết kinh phế vị gây viêm amiđan. Bệnh này cần chữa trị kịp thời, nếu không căn bệnh có thể nặng thêm ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân.

Chẩn đoán viêm amidan dựa vào triệu chứng cụ thể từng người cụ thể như:

Nếu viêm amiđan cấp tính bệnh thường khởi phát nhanh sốt cao, họng đau, nuốt khó, amidan sưng cao, hạch dưới góc hàm sưng to, ấn đau, có khi một bên hoặc cả 2 bên amidan sưng đỏ đau, bề mặt có giả mạc trắng.

Nếu viêm amidan mạn tính thì thường khởi phát từ từ, có thể sốt nhẹ, ho khan, bệnh tái phát nhiều lần, trẻ em viêm amidan mạn tính.  Có người viêm amidan phì đại có thể ảnh hưởng chức năng thở nuốt, khi ngủ có tiếng ngáy,  họng khô, hơi đau, miệng hôi, hoặc có ho khan, sốt nhẹ, thể chất hư yếu.

Nếu viêm amidan cấp tính phép chữa chủ yếu: Tán phong, thanh nhiệt, tiêu viêm... Thường dùng bài ngưu bàng thang gia giảm: Ngưu hoàng tử  12g, bạc hà 10g, kim ngân hoa16g,  liên kiều 14g, cát cánh10g, cam thảo 6g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 8g. Ngày uống  một thang sắc chia ba lần uống trong ngày. Trẻ em dưới 10 tuổi dùng liều bằng ½ người lớn. Tác dụng trị thương phong, các loại mụn nhọt họng sưng đau. Uống rất thích hợp viêm amidan cấp sưng đau.

Nếu viêm amidan mạn tính phép trị: ích khí, dưỡng âm, thanh yết, tiêu viêm, tốt nhất nên dùng bài ích khí thanh kim thang gia giảm gồm có vị: Nhân sâm 12g, phục linh 12g, mạch môn 14g, trần bì 12g,  ngưu bàng tử 12g, xuyên bối mẫu 14g, tô diệp 10g, hoàng cầm 12g, bạc hà 12g, chi tử 10g, cam thảo 6g. Ngày một thang sắc làm ba lần mỗi lần đổ ba chén sắc còn 8 phân chia làm ba lần uống trong ngày. Trẻ em dưới 10 tuổi dùng liều bằng ½ người lớn. Tác dụng: Ích khí thanh phế, trị tạng phế có uất nhiệt, họng viêm, có nổi mụn nhọt hay tái phát.

Lương y Minh Phúc (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top