Chửa trứng cẩn thận ung thư di căn

(khoahocdoisong.vn) - Chửa trứng không phải là chuyện lạ đối với phụ nữ. Việc phát hiện và chẩn đoán sớm giúp chị em vẫn có thể có con.

Hiện tượng sinh sản quá mức của nhau thai

Chửa trứng rất thường gặp, chiếm tỷ lệ 1/500 trường hợp mang thai. 97% chửa trứng thời kỳ thai nghén xuất hiện ở 3 tháng đầu. Sản phụ có thể thấy ra máu, dịch âm đạo thậm chí ra những khối như chùm nho. Hay nôn hay buồn nôn, thậm chí có biểu hiện của nhiễm độc thai nghén (phù, tăng huyết áp, protein niệu)...

Chửa trứng là hiện tượng sinh sản quá mức của nhau thai. Bình thường nhau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai trong thời kỳ thai nghén. Trong trường hợp chửa trứng, nhau thai phát triển thành khối không được kiểm soát. Đa số trường hợp không có bào thai, được gọi là “chửa trứng hoàn toàn, một số trường hợp có bào thai nhưng không sống được gọi là “chửa trứng bán phần”. Người ta gọi là chửa trứng vì trong dạ con có nhiều nang trông như các quả trứng hoặc chùm nho do các lông nhau thai sinh sôi và căng phồng.

Khoảng 80% chửa trứng là lành tính, bệnh khỏi sau khi nạo hoặc cắt dạ con ở người không có nhu cầu sinh đẻ. Khoảng 10 – 15% chửa trứng trở thành loại xâm nhập, bệnh ăn sâu vào thành dạ con gây chảy máu và các phiền phức khác. Khoảng 2 – 3% chửa trứng trở thành ung thư nhau thai, bệnh phát triển nhanh, lan rộng, di chuyển tới các nơi khác như: gan, phổi, não… gọi là di căn. Phụ nữ trên 40 tuổi và dưới 20 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần so nhóm tuổi khác.

Sau chửa trứng cần định lượng HCG

Biểu hiện của chửa trứng và ung thư nhau thai là: 97% người bệnh có biểu hiện ra máu âm đạo; ra dịch vàng, các vật bất thường: các lông nhau hình quả nhỏ; đau bụng dưới; nôn hoặc buồn nôn; chảy dịch đầu vú bất thường; bụng dưới to như có thai; bụng không nhỏ lại sau sinh. Các triệu chứng kèm theo liên quan đến thai nghén, nhiễm độc thai nghén thường gặp như: buồn nôn, nôn, cao huyết áp, phù, protein niệu. Thiếu máu nhược sắc thường gặp ở trường hợp chảy máu kéo dài.

Các trường hợp cường tuyến giáp như: run tay, đổ mồ hôi, giảm cân, nhịp tim nhanh. Các trường hợp chửa trứng thâm nhập có thể gây tổn thương qua lớp cơ tử cung gây chảy máu âm đạo trong ổ bụng. Khi ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có các triệu chứng của bệnh di căn: Khó thở, đau tức hạ sườn phải (di căn gan), chảy máu trong ổ bụng, viêm phúc mạc, các triệu chứng tăng áp lực nội sọ, liệt, co giật…

Điều trị chửa trứng những bệnh nhân đã hoàn tất việc sinh đẻ có thể lựa chọn phẫu thuật cắt tử cung cùng với khối chửa. Những bệnh nhân trẻ muốn giữ khả năng sinh đẻ có thể được điều trị bằng phương pháp nạo hút và khoảng 80% không cần điều trị gì thêm, xét nghiệm ß- HCG hàng tuần sẽ giảm dần, trở về bình thường sau 8 tuần. 20% trở thành ác tính và được điều trị theo chửa trứng xâm lấn và ung thư nhau thai. Vì vậy, sau khi được điều trị chửa trứng, người bệnh cần xét nghiệm máu, nước tiểu 2 tuần một lần cho đến khi lượng HCG trở về bình thường. Tiếp theo sẽ thử nước tiểu 4 tuần một lần, theo dõi trong vòng 6 tháng.

Nếu trường hợp trở thành chửa trứng xâm nhập hoặc ung thư nhau thai sẽ phải điều trị hóa chất. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh này, nhất là khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Một số trường hợp phải phẫu thuật và xạ trị để diệt ung thư chỉ dùng trong số ít trường hợp. Đây là bệnh có tiên lượng tốt, tỷ lệ chữa khỏi chung có thể đạt 90 – 95%. Các người bệnh có nguy cơ thấp có thể chữa khỏi gần 100%. Vì vậy, phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng, tránh tình trạng di căn mới điều trị tiên lượng rất xấu.

GS.TS Nguyễn Bá Đức (Nguyên Giám đốc Bệnh viện K)

Theo Đời sống
back to top