Phụ nữ thường mỗi tháng có kinh một lần, nếu khi có kinh kéo dài trên 7 ngày gọi là “rong kinh”, có người kinh ra rỉ rả, hết rồi lại có, một tháng có hai ba lần, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, sức khỏe.
Rong kinh do “khí hư”: Thường gặp ở người vốn ăn uống kém lại hay lo nghĩ, khiến cho tỳ vị hư suy, dẫn đến tỳ không thống nhiếp huyết gây rong kinh, thường biểu hiện kinh ra loãng, người mệt mỏi. Phép trị, chủ yếu bổ khí kiện tỳ, cầm huyết điều kinh… Thường dùng bài Bổ trung ích khí thang gia giảm gồm có: Đẳng sâm 16g; bạch truật, phục linh, đương quy mỗi vị 12g, hoàng kỳ 20g, cam thảo 4g, thăng ma 8g, sài hồ 10g, kinh giới 10g sao đen, sắc uống ngày một thang.
Rong kinh do “huyết nhiệt”: Thường gặp ở người nóng nhiệt, miệng hay bị khô khát, mặt đỏ, lưỡi đỏ, biểu hiện kinh ra nhiều kéo dài, màu đỏ sẫm, nhầy, có hoàn cục, có khi đau vùng hạ vị và thắt lưng. Phép trị, chủ yếu thanh nhiệt mát huyết, điều kinh. Thường dùng bài Tứ vật gia giảm gồm có sinh địa 30g, đương quy 20g, xuyên khung 16g, bạch thược 16g, hoàng cầm 10g, hoàng liên 10g, cỏ mực 10g, cam thảo 6g.
Rong kinh do “thận âm hư”: Thường gặp ở người thể chất gầy yếu, khi có kinh hay bị choáng đầu, ù tai, miệng khô, tâm phiền, khó ngủ. Phép trị, dưỡng âm cầm huyết, điều kinh. Thường dùng bài Lục vị gia giảm gồm có thục địa 30g, hoài sơn 18g, đơn bì 14g, sơn thù 14g, phục linh 14g, bạch thược 14g, trắc bá diệp 12g, quy bản 12g, trạch tả 10g.
Rong kinh do “huyết ứ”: Thường gặp rong kinh sau khi bị viêm nhiễm, sang thương, huyết ứ, biểu hiện có kinh đau bụng dưới, có huyết cục khi ra kinh được thì hết đau bụng. Phép trị, chủ yếu hoạt huyết, hành ứ, điều kinh. Tiêu biểu thường dùng Tứ vật gia giảm gồm có vị thục địa 20g, đương quy 16g, xích thược 16g, xuyên khung 16g, ích mẫu 16g, uất kim 12g, hương phụ 10g, ngải cứu 8g.
Rong kinh do “đàm thấp”: Thường găp ở người mập, bụng lớn, người nặng nề, chất lưỡi bệu, rêu trắng nhờn. Phép trị, chủ yếu kiện tỳ tiêu đàm, điều kinh. Thường dùng bài Tứ quân gia giảm gồm có đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 6g, trần bì 10g, bán hạ 8g, hương phụ 12g, thán khương 10g.
Ngoài ra, còn có phụ nữ tuổi gần 60 hành kinh trở lại, kinh ra kéo dài có cục đen, tím, có khi huyết đỏ dầm dề, rỉ rả, thường do tỳ khí hư không thống nhiếp huyết, tinh không tàng, mệnh môn hoả động gây rong huyết. Phép trị, chủ yếu đại bổ huyết cho can tỳ. Tiêu biểu thường dùng bài An lão thang gồm có thục địa 40g, đương quy 20g, nhân sâm 40g, hoàng kỳ 40g, bạch truật 20g, a giao 4g, hắc giới tuệ 6g, hương phụ 6g, mộc nhĩ 6g, cam thảo 4g.
Liệu trình điều trị rong kinh tùy theo bệnh trạng nặng nhẹ mỗi người, nếu mới bị rong kinh, người còn khỏe, không mắc bệnh phụ khoa uống khoảng 2 - 3 thang đỡ. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh u xơ, đa nang, người yếu, bệnh lâu phải uống nhiều hơn.
Nếu rong kinh, người nóng nhiệt, dân gian hay dùng các vị sắc uống như cỏ mực, hoa hòe, ngó sen, lá sen, mỗi vị dùng khoảng 100-150g tươi sắc nước uống. Các vị thuốc trên có tác dụng mát cầm huyết hoặc dùng các vị sao đen như bông kinh giới 10g, ngải cứu lá 20g, gương sen 20g, tam thất củ 20g, gừng (sao đen có tác dụng cầm huyết). Đây là những vị đơn giản, hiệu quả, hầu như không có tác dụng phụ.
Món ăn bài thuốc chữa rong kinh
Gà tiềm bài Tứ quân: Thịt gà 100 - 150g, nhân sâm 20g, bạch truật 20g, phục linh 20g, hoàng kỳ 20g, thán khương 10g, mộc nhĩ 20g, hạt sen 20g, nếu có đau bụng gia tam thất 20g. Bài này rất thích hợp phòng trị rong kinh thể khí hư, người hàn lạnh, mệt mỏi, ăn uống kém.
Thịt heo tiềm bài Tứ vật: Thịt heo 100 - 150g, thục địa 20g, đương quy 20g, xuyên khung 20g, bạch thược 20g, mộc nhĩ 30g, ngó sen 50g. Nếu có đau bụng gia tam thất 20g và cho thêm gia vị vừa đủ. Bài này ăn rất thích hợp phòng trị rong kinh thể huyết hư, người nóng nhiệt. Ngoài ra có thể sử dụng gan gà 40g, tiết heo 100g, tiết dê 100g luộc ăn.
Trên đây đều là những món ăn bài thuốc tiêu biểu đã được y học dân gian sử dụng để phòng trị rong kinh rất hiệu quả không có tác dụng phụ.