Điểm huyệt có thể chữa ngạt mũi
Tư thế người bệnh ngồi ngay ngắn thẳng lưng, có chỗ dựa càng đỡ mỏi, thở đều.
* Huyệt nghinh hương: Ở cạnh cánh mũi 2 bên, cách cánh mũi 1cm. Dùng 2 ngón tay giữa đặt vào 2 huyệt day 50 lần. Sau đó ấn mạnh làm cho cơ tức thì bỏ tay ra, cứ lặp đi lặp lại 10 lần.
* Huyệt phong trì: Ở chỗ lõm sau gáy 2 bên, chỗ gianh giới có tóc và không có tóc, có dây chằng căng nổi lên. Dùng 2 ngón tay cái bấm vào 2 huyệt, khi thấy tức gáy là được, day tiếp tục 20 lần.
* Huyệt ấn đường: Ở chính giữa 2 lông mày. Dùng 1 tay ngón chỏ hay ngón giữa ấn vào huyệt 10 lần, sau đó day 20 lần. Sau khi day ấn, dùng 2 ngón chỏ và ngón cái vuốt lên trán, 2 tay vuốt từ ấn đường lên sang 2 bên, 20 lần.
* Vuốt sống mũi: Dùng 2 ngón chỏ và giữa vuốt từ huyệt ấn đường xuống cánh mũi vuốt 10 lần.
* Huyệt hợp cốc: Ở góc kẽ 2 xương bàn tay ngón chỏ và ngón cái, chỗ lõm xuống. Xòe bàn tay trái, 4 ngón sát với nhau, ngón cái tách ra. Dùng ngón cái tay phải bấm vào huyệt hợp cốc bên trái 2 ngón chỏ và giữa đặt dưới bàn tay trái làm bệ tỳ. Bấm mạnh 10 lần rồi đổi tay. Sau khi bấm xong day nhẹ nhàng.
Mỗi ngày day 3 lần, mỗi lần 20 phút. Phương pháp này dễ làm, lại dễ thở. Sau khi day bấm mũi sẽ thông thoáng, hết chảy nước mũi. Cần kiên trì và xoa bóp sớm khi mới bị ngạt.
Đề phòng bệnh này, trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, khi đi làm hay tập thể dục buổi sáng cần mặc ấm, đeo khẩu trang để tránh gió lùa, không tắm lâu, không tắm lạnh, không tắm gội khuya và cùng một lúc. Thường xuyên hàng ngày cần nhỏ thuốc mũi vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Ăn uống nóng ấm và đủ dinh dưỡng dể uống bệnh dịch. Tăng cường tập luyện nâng cao sức đề kháng, kéo dài tuổi xuân và nâng cao tuổi thọ.
BS Vũ Quang, Bệnh viện Châm cứu Trung ương