Chữa lành vết thương tinh thần khi người thân mất vì Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người đã và đang đối mặt với vết thương tinh thần khi chứng kiến người thân mất vì Covid-19. Nếu tình trạng này kéo dài và không được sự can thiệp, không quan tâm kịp thời, dễ dẫn đến hành vi tiêu cực.

Khó lòng chấp nhận được

Anh Lâm Hoàng Th (31 tuổi, huyện Hóc Môn, TPHCM) là một trong rất nhiều người phải gánh chịu nỗi đau mất người thân trong dịch bệnh. Chàng trai quê Kiên Giang đã phải trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý khi chứng kiến người thân ra đi vì Covid-19.

hinh-1.1-1-.jpg
Để vơi bớt nỗi buồn và tìm lại nguồn ánh sáng mới cho cuộc sống của mình, anh Th. đăng ký làm tình nguyện viên của chương trình ATM F0 chống dịch tại Bệnh viện quận Gò Vấp. 

Mẹ đột ngột qua đời vì Covid-19 tại phòng trọ, trong khi đó, anh Th. đang điều trị trong khu cách ly. Do suy sụp tinh thần nên quá trình điều trị Covid-19 kéo dài hơn người khác.

Anh kể, từ nhỏ, ba mẹ đã ly hôn nên anh vốn không còn tình thương của ba. Anh sống với mẹ từ tấm bé, mẹ đi đâu là đi theo đó, nên tình cảm với mẹ sát cánh không rời. Thế nhưng, mẹ đang khỏe mạnh vô tình vì dịch bệnh Covid-19 mà ra đi đột ngột, mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến anh khó lòng chấp nhận được.

“Khi nghe tin mẹ mất, tôi khóc rất nhiều và xuống tinh thần, đôi lúc muốn chết theo mẹ. Những ngày đầu, triệu chứng bệnh do Covid-19 xuất hiện nhiều và nặng hơn. Nhờ hàng trăm cuộc gọi động viên của mấy dì, cô, anh chị, bạn bè... nên tôi nghĩ bản thân mình phải vượt qua, không suy sụp lúc này được. Nếu tôi có gì lúc này, ai nhận lấy cốt và đưa mẹ về lại quê hương bên ông bà. Tôi đã cố gắng mạnh mẽ vượt qua, để sống tốt hơn và lo chu tất hơn những tâm nguyện cuối cùng cho người mất”, anh Th. tâm sự.

Để vơi bớt nỗi buồn và tìm lại nguồn ánh sáng mới cho cuộc sống của mình, anh Th. đăng ký làm tình nguyện viên của chương trình ATM F0 chống dịch tại Bệnh viện quận Gò Vấp. Đó cũng là cách để mẹ được yên lòng mà bản thân anh bớt suy nghĩ tiêu cực khi cứ nằm mãi ở nhà trọ…

Hiện tại, mọi thứ đối với anh cũng tạm ổn hơn. Đôi khi, nằm mơ thấy mẹ hoặc nhìn hình mẹ trong điện thoại, anh lại nhớ và buồn trong chốc lát rồi cũng cố gắng cho qua để tiếp tục công việc hỗ trợ chống dịch.

Mỗi con người đều có sức bật tinh thần

Khi trải qua bi kịch mất người thân, con người sẽ có những phản ứng rất đa chiều. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thông thường họ phải trải qua 5 giai đoạn.

Khi người thân bất ngờ ra đi, người ở lại có thể nghe nhưng không biết liệu đây có phải là sự thật hay không - giai đoạn chối bỏ, phủ nhận. Rồi có thể tức giận khi cảm thấy không công bằng trước sự ra đi của người thân. Tiếp đến, họ bắt đầu mặc cảm. Thứ tư là chuyển sang cảm giác chán nản, trấm uất. Và giai đoạn cuối cùng là chấp nhận. 

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, bên cạnh nỗi đau mất người thân, họ còn đối mặt với nhiều khó khăn khác, điều này làm gia tăng thêm khủng hoảng tâm lý trong họ. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để giúp họ vượt qua đó là nghị lực của bản thân và sức bật tinh thần.

hinh-1.jpg
Trong mỗi con người đều có sức bậc tinh thần như khả năng thích nghi, lạc quan, năng lực bản thân và tìm ý nghĩa cuộc sống.

Trong mỗi con người đều có sức bật tinh thần như khả năng thích nghi, lạc quan, năng lực bản thân và tìm ý nghĩa cuộc sống. Những giá trị đó được xem là “mỏ khoáng sản tự nhiên” luôn tồn tại trong mỗi người để họ có thể vượt qua mọi khó khăn, trong đó có nỗi đau mất người thân.

Bên dưới đám tro tàn luôn còn một cục than hồng. Nhiều người đau đớn vì mất người thân nhưng trong họ vẫn nung nấu một ước mơ, một sức mạnh to lớn. Điều quan trọng là phải tìm cách khơi lên được ngọn lửa còn len lỏi từ cục than hồng nằm dưới đống tro tàn đó.

Thực tế, trong những đau khổ mất mát, tình người luôn đẹp. Con người ta sẵn sàng chia sẻ và dìu nhau qua giai đoạn khó khăn. Vì vậy, họ sẽ sớm quên đi nỗi đau mất người thân và tìm được ý nghĩa mới cho cuộc sống của mình.

TS Nguyễn Thị Thanh Tú

Mỗi chúng ta nên dừng lại một chút để lắng nghe, sẻ chia với nỗi đau của người mất đi người thân. Một cuộc gọi điện hỏi thăm cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với họ. Bên cạnh đó, chúng ta hãy cố gắng nói những lời tích cực, luôn luôn hỗ trợ động viên khi họ cần. Họ sẽ có thêm sức mạnh để sớm vượt qua nỗi mất mát, đau thương đó.

TS Nguyễn Thị Thanh Tú - Ánh Trinh (Chương trình “Văcxin tinh thần”, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM)

Theo Đời sống
back to top