<div> <p>Sáng nay (31/5), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có trao đổi với phóng viên báo chí về hiện trạng nguồn cung lương thực, thực phẩm và tình trạng dịch <span>Covid-19</span> phức tạp như hiện nay có tác động như thế nào đến khâu lưu thông, phân phối nông sản.</p> <figure class="image align-center"><img alt="Chưa có căn cứ khoa học nói Covid-19 lây từ nông sản sang người - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/31/icdn-dantri-com-vn_phung-duc-tien-copy-1622445953377.jpg" title="Chưa có căn cứ khoa học nói Covid-19 lây từ nông sản sang người - 1" /> <figcaption> <p>Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.</p> </figcaption> </figure> <p>Theo ông Tiến, đối với lương thực, đến nay ngành nông nghiệp đã thu hoạch được 16,6 triệu tấn, dự kiến hết vụ Đông Xuân sẽ thu hoạch được 20,6 triệu tấn (tăng 2,5 % so với năm 2020). Ngoài ra, rau màu, hoa quả hiện nay cũng rất dồi dào.</p> <p>Về thực phẩm, năm nay ngành nông nghiệp dự kiến cung ứng 8,6 triệu tấn thủy sản, đến thời điểm hiện tại đã đạt được 3,3 triệu tấn (tăng 2,6% so với năm ngoái, trong đó 1,6 triệu tấn khai thác và 1,7 triệu tấn nuôi trồng).</p> <p>Mặt hàng thịt, năm nay ngành nông nghiệp phấn đấu cung ứng khoảng 5,6 triệu tấn. Hết quý I/2021, tăng trưởng của ngành chăn nuôi là đạt 7,12%. Tổng kết đến thời điểm tháng 5/2021, đàn lợn tăng 11,1%, gia cầm tăng 6,4%, mặt hàng sữa vẫn tăng rất đều đặn. Đối với trứng, năm nay dự kiến cung ứng 15 tỷ quả.</p> <p>"Mặc dù <span>dịch Covid-19</span> diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ và các địa phương quyết tâm thực hiện để đạt được các mục tiêu. Hiện tại, Covid-19 chưa ảnh hưởng đến mục tiêu mà ngành nông nghiệp đặt ra", ông Tiến nhấn mạnh.</p> <p>Về khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tâm lý e ngại tiêu thụ nông sản của người dân vùng dịch, ông Tiến khẳng định, căn cứ khoa học và thực tiễn thì chưa có một công bố nào nói Covid-19 trên vỏ bao bì hàng hóa, trên nông sản lây sang người. Đây là căn cứ khoa học và thực tiễn rất quan trọng. </p> <p>"Đến nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có công bố virus <span>SARS-CoV-2</span> lây từ bao bì sang người, đây là căn cứ để chúng ta yên tâm vận chuyển và tiêu thụ nông sản", ông Tiến nói.</p> <p>Nói về giải pháp phân phối sản phẩm nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp Việt Nam có những lúc nói là "nông nghiệp giải cứu". Thực tế gần đây cũng có nhiều điểm "giải cứu" nông sản. Tuy nhiên, theo ông Hoan, chúng ta cũng nên bỏ từ "giải cứu", mà cần có những hành động cụ thể hơn. </p> <figure class="image align-center"><img alt="Chưa có căn cứ khoa học nói Covid-19 lây từ nông sản sang người - 2" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/31/icdn-dantri-com-vn_le-minh-hoan-copy-1622445952253.jpg" title="Chưa có căn cứ khoa học nói Covid-19 lây từ nông sản sang người - 2" /> <figcaption> <p>Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.</p> </figcaption> </figure> <p>Ông Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch dài hạn cho câu chuyện phân phối, lưu thông hàng hóa nông sản, bởi có Covid-19 hay không có Covid-19 thì trong thực tế đã có thời điểm cung vượt quá cầu.</p> <p>Về giải pháp ngắn hạn, trong ngày 1/6, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vùng dịch một cách chính quy hơn. Mô hình này nhằm vừa tiêu thụ, vừa đảm bảo chất lượng nông sản và an toàn trong dịch bệnh. Bộ NN&PTNT cho biết, từ mô hình này sẽ trở thành một hệ thống áp dụng từ Trung ương xuống các địa phương.</p> <p>"Tôi cũng bàn với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam để làm sao kết nối được cung - cầu. Tôi biết nhiều lúc không khớp nhau về thông tin, thực tế như hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vừa rồi có thông tin rớt giá xuống 5.000-6.000 đồng/kg, trên mạng có những bình luận thắc mắc tại sao ở Đắk Lắk vẫn phải mua tới 45.000 đồng/kg, mà không có hàng để mua. Như vậy, câu chuyện kết nối thị trường nông sản nội địa của chúng ta vẫn chưa tốt, những thông tin bất cân xứng dẫn đến dư thừa cục bộ, chứ không phải dư thừa toàn bộ", ông Hoan nói.</p> <figure class="image align-center"><img alt="Chưa có căn cứ khoa học nói Covid-19 lây từ nông sản sang người - 3" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/31/icdn-dantri-com-vn_giaicuuvaibacgiang61622209841341-1622450098082.jpg" title="Chưa có căn cứ khoa học nói Covid-19 lây từ nông sản sang người - 3" /> <figcaption>Người Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang (Ảnh: Khôi Vũ).</figcaption> </figure> <p>Ông Hoan cho biết thêm, theo tinh thần của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là không được "ngăn sông cấm chợ", không được làm khó thêm cho những phương tiện vận chuyển nông sản, bởi đặc thù nông sản để lâu sẽ nhanh hỏng. Bộ này đang kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ hơn nữa cho những đơn vị vận chuyển nông sản trong nước.</p> <p>Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết thêm, về các giải pháp dài hạn, Bộ NN&PTNT sẽ thiết lập thông tin 2 chiều, như: Không để sản phẩm đến lúc thu hoạch mới biết là thừa hay thiếu. Theo đó, trước khi thu hoạch khoảng 15-20 ngày, các Sở NN&PTNT ở các địa phương cũng chủ động thông tin để Bộ NN&PTNT thông tin vào hệ thống phân phối.</p> <p> </p> </div> <p> </p>