<div> <p style="text-align: justify;">Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thống kê, xác suất là một trong ba trụ cột của môn Toán: Đại số và giải tích, Hình học và Đo lường, xác suất, thống kê.</p> <p style="text-align: justify;">Học sinh được học liên tục từ lớp 2 đến lớp 12 theo vòng tròn đồng tâm, tức là nâng dần về nội dung, mức độ.</p> <p style="text-align: justify;">Trong chương trình mới, các nội dung về xác suất, thống kê gần như không thay đổi nhưng được học với thời lượng nhiều hơn. Do đó, học sinh có điều kiện thực hành nhiều hơn, dễ tiếp cận hơn.</p> <p style="text-align: justify;">Hoạt động này hoàn toàn bình thường nhưng do được gọi tên chính xác là “xác suất, thống kê” nên vài ngày nay, nhiều người lo lắng, hốt hoảng vì sợ con em học khó quá.</p> <p style="text-align: justify;">Theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS-Trường ĐH Tôn Đức Thắng), nhiều người đang phản đối thông tin học sinh lớp 2 sẽ học toán xác suất, thống kê.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Chưa cần chương trình mới, học sinh tiểu học đã biết toán xác suất, thống kê - 1" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/01/28/sachtienganhtieuhocmoilangphi-1548650092098.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/12/sachtienganhtieuhocmoilangphi-1548650092098.jpg" title="Chưa cần chương trình mới, học sinh tiểu học đã biết toán xác suất, thống kê - 1" /> <figcaption> <p>Các bài toán thống kê, hay xác suất đều đã xuất hiện lồng ghép trong một số bài toán ở tiểu học từ trước đến nay. (Ảnh: Minh hoạ). </p> </figcaption> </figure> <p style="text-align: justify;">Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra, chương trình tiểu học hiện hành, học sinh đã được học toán có yếu tố thống kê từ những năm 2000 đến nay. Đó là những bài học về biểu đồ, số trung bình cộng, dãy số, bảng số liệu...</p> <p style="text-align: justify;">Chuyên gia này cho biết thêm, chương trình Toán Phần Lan ở trường VFIS, thống kê được dạy từ lớp 1-2 (C4), tiếp nối với lớp 3-5 (C5). Riêng SGK lớp 1, ở tuần 17, đã có bài giới thiệu về các loại biểu đồ cho trẻ . </p> <p style="text-align: justify;"><em>Có thể tóm tắt cụ thể hơn về chương trình ở đây như sau:</em></p> <p style="text-align: justify;">Từ lớp 1-2: Học sinh bắt đầu phát triển khả năng thu thập và lưu trữ thông tin về các chủ đề theo hứng thú. Các em vẽ và giải thích dữ liệu qua các bảng, biểu đơn giản (biểu đồ cột).</p> <p style="text-align: justify;">Lớp 3-5: Học sinh thu thập dữ liệu một cách hệ thống trên các chủ đề mà các em hứng thú. Các em lưu trữ và trình bày dữ liệu dưới dạng bảng và biểu đồ.</p> <p style="text-align: justify;">Trong số các thông số thống kê cơ bản, học sinh được giới thiệu về giá trị nhỏ nhất, lớn nhất, trung vị. Các em làm quen với xác suất trong các tình huống hàng ngày bằng cách đưa ra nhận định xem một sự kiện chắc chắn, có thể hoặc không thể xảy ra.</p> <p style="text-align: justify;">Một giáo viên dạy tiểu học ở Quảng Bình cũng cho biết, vấn đề khiến nhiều người phản đối là do tên gọi.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Chưa cần chương trình mới, học sinh tiểu học đã biết toán xác suất, thống kê - 2" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/01/28/hoc-tap-1548650146267.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/14/hoc-tap-1548650146267.jpg" title="Chưa cần chương trình mới, học sinh tiểu học đã biết toán xác suất, thống kê - 2" /> <figcaption> <p>Không nên nhìn thống kê, xác suất theo kinh nghiệm của cấp đại học để áp vào trẻ. (Ảnh: MInh hoạ). </p> </figcaption> </figure> <p style="text-align: justify;">“Các bài toán thống kê, hay xác suất đều đã xuất hiện lồng ghép trong một số bài toán ở tiểu học từ trước đến nay. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa gọi tên chính xác.</p> <p style="text-align: justify;">Việc đưa ra tên gọi này trong chương trình mới hoàn toàn đúng nhưng do nhiều người chưa nắm được bản chất nên vội vàng phản đối vì tưởng nó cao siêu và quá khó.</p> <p style="text-align: justify;">Vấn đề khó ở đây, thầy cô giáo có phương pháp dạy ra sao để các bài học này ứng dụng dễ dàng trong cuộc sống”, giáo viên này cho hay.</p> <p style="text-align: justify;">Cũng theo giáo viên này, ở môn toán lớp 5 mà cô đang phụ trách, nội dung này nằm trong các dạng bài như: Lập biểu đồ, từ đó yêu cầu hoc sinh so sánh. Còn các bài toán có nội dung xác suất có thể xuất hiện ở các lớp cao hơn.</p> <p style="text-align: justify;">Cùng quan điểm trên đây, TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, phụ huynh học sinh không nên quá lo lắng. Vấn đề là cách dạy của giáo viên ra sao.</p> <p style="text-align: justify;">Cô cho rằng, toán xác suất thống kê ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, Tuy nhiên, không nên nhìn thống kê, xác suất theo kinh nghiệm của cấp đại học để áp vào trẻ.</p> <p style="text-align: justify;">Trẻ học theo cách của trẻ, nội dung cũng phù hợp theo khả năng nhận thức của độ tuổi các em. Chương trình phổ thông mới không làm khó cho trẻ mà vấn đề khó của giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy.</p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>