Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng:“Công trình đoạt giải mang hiệu quả KT- XH rất lớn”

Các công trình đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ nhất có tính ứng dụng cao, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Đây là Hội thi Sáng tạo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức lần đầu tiên, được các nhà khoa học cũng như giới chuyên môn đánh giá cao. TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tham dự và cùng Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn trao giải Nhất cho các tác giả đạt giải.

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao, cho biết, Ban tổ chức hội thi đã nhận được sự tham gia tích cực của các tác giả. Từ 715 đề tài, giải pháp, Hội đồng Giám khảo đã chọn ra 58 giải pháp xứng đáng nhất để xét trao giải, gồm: 5 giải Nhất, 12 giải Nhì, 18 giải Ba và 22 giải Khuyến khích. Trong đó, nhiều giải pháp kỹ thuật có tính mới, sáng tạo, tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Theo ông Lê Xuân Rao, thành công của hội thi đã góp phần thúc đẩy, tạo động lực cho phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ trí thức và nhân dân lao động Thủ đô. Các đề tài, dự án đoạt giải tiếp tục được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cần có thêm những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa để khuyến khích năng lực sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tạo ra những đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải.

Ban Tổ chức đã trao 5 giải Nhất cho các tác giả, nhóm tác giả xứng đáng, thuyết phục, cụ thể:

Lĩnh vực Công nghệ thông tin; Điện tử, viễn thông; Giải pháp sáng tạo trong quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị: Đề tài “Ứng dụng công nghệ I-HR, chuyển đổi số trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm” của đại diện nhóm tác giả Trần Vũ Thành (Công ty CP cung ứng nhân lực CLC).

Lĩnh vực Cơ khí tự động hóa; Xây dựng; Giao thông vận tải: Đề tài “Xây dựng và phát triển hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt (MES) cho nhà máy sản xuất các sản phẩm, hệ thống và giải pháp chiếu sáng xanh, thông minh và sản phẩm điện tử công nghệ cao. Triển khai áp dụng thí điểm cho xưởng sản xuất LED - điện tử và thiết bị chiếu sáng” của đại diện nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Kiên (Công ty CP bóng đèn, phích nước Rạng Đông).

Lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp; Tài nguyên và môi trường: Đề tài “Nghiên cứu sản xuất tinh bò 3B thuần đông lạnh dạng cọng rạ và thử nghiệm phương pháp phân tách tinh phân giới tính” của đại diện nhóm tác giả Bùi Đại Phong (Công ty CP giống gia súc Hà Nội).

Lĩnh vực Y; Dược: Đề tài “Phương pháp phẫu thuật bảo tồn tử cung đơn giản trong bệnh lý rau cài răng lược không có dấu hiệu nghi ngờ đâm xuyên” của đại diện nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Duy Ánh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội).

Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo: Đề tài “Bồi dưỡng thầy cô giáo trở thành nhà tâm lý - nhà giáo dục vì mục tiêu phát triển con người” của đại diện nhóm tác giả Nguyễn Văn Hòa (Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo Đời sống
back to top