Chủ tịch VCCI lo khó giữ mức tăng trưởng 6,8%

(khoahocdoisong.vn) - Theo Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc - năm 2020 và những năm tiếp theo, mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan.

Cụ thể, ngành chế biến chế tạo – khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm và có tăng sản lượng tới 11,37% - thì chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30/9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017. Vậy, sự tăng trưởng của ngành này có bền vững không khi các doanh nghiệp đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường? - ông Lộc đặt vấn đề.

Theo ông Lộc, nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trở thành công xưởng mới của toàn cầu. Thực tế lại không chứng minh điều đó. Mà ngược lại, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 mức tăng trên 20% những năm trước nữa.

Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro và gian lận thương mại, về thâm nhập thương mại.

9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam đã trở thành một trong sáu quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ? Khả năng duy trì xuất khẩu vào một thị trường lớn nhất chiếm tới gần 1/4 tổng kim ngạch của Việt Nam, do vậy, trở nên rất mong manh - ông Lộc cảnh báo.

Thách thức nữa là bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng chẳng sáng sủa hơn. 9 tháng đầu năm, FDI có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 đầu nguồn trọng điểm là Nhật Bản và Hàn Quốc, tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc (bao gồm cả Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong). Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Những chỉ báo trên cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan.

Theo Đời sống
back to top