Chủ tịch Quốc hội: “Không được hợp thức hóa chung cư mini trong luật Nhà ở”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh “dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini trong Luật Nhà ở”. Ông dẫn vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua “rất đau xót”.
Tiếp tục phiên họp thứ 26 sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đề cập đến vấn đề môi trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án luật Nhà ở sửa đổi, dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây dự thảo luật đã thiết kế một điều riêng cho chung cư mini bây giờ vẫn giữ, nhưng biến thành một điều khác.
“Cần rà soát lại dự thảo luật Nhà ở, không được hợp thức hóa chung cư mini trong luật Nhà ở. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi rất đau xót, nghiêm trọng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề xuất, liệu có nên cho phép Hà Nội có quy định riêng về tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng trong các vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy hay không.
Chu tich Quoc hoi: “Khong duoc hop thuc hoa chung cu mini trong luat Nha o”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ sự quan tâm tới quy định liên quan xây dựng, phát triển, quản lý thủ đô để đảm bảo quy hoạch.
Từ thực tế phát triển Thủ đô thời gian qua, nhất là với sự kiện cháy chung cư mini tại phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân), việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển của thủ đô có phần khó kiểm soát, dù có rất nhiều luật, nghị quyết được ban hành cho TP Hà Nội. Không chỉ có Luật Thủ đô 2012, trước đó còn Pháp lệnh Thủ đô và nhiều nghị quyết của Quốc hội đã có chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội.
"Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm", ông Cường đánh giá.
Ông Bùi Văn Cường cũng nhận định, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, giáo dục, sự nghiệp công lập, trụ sở cơ quan bộ, ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan Trung ương và thành phố đã đặt ra từ rất lâu, nhưng “triển khai rất chậm...”.
Tổng thư ký Quốc hội cho hay, theo hồ sơ dự án luật Thủ đô sửa đổi thì danh mục, biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở này được ủy quyền để Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật chưa thấy có biện pháp và lộ trình di dời cụ thể trong khi đây là dạng văn bản chi tiết phải được trình cùng dự án luật.
Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau khi luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn đối với một số hành vi trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai, văn hóa tại khu vực nội thành Hà Nội có tác dụng tích cực, có hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng, tỷ lệ số công trình có vi phạm hành chính đã giảm từ 8,97% năm 2014 xuống còn 2,13% năm 2020…
Tuy nhiên, bên cạnh 3 lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng thì phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo cũng đang là những lĩnh vực mà tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất "nóng" và phức tạp. Mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp bảo đảm thi hành chưa bảo đảm tính răn đe, chưa bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, quy định của luật Thủ đô hiện hành về việc chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn trong một số lĩnh vực tại khu vực nội thành không còn phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật khi áp dụng "hai loại chế tài" xử phạt khác nhau trong cùng một thành phố.
Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định đối với hành vi vi phạm tương ứng.
Bên cạnh đó, còn quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật hiện hành quy định là ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Quy định cụ thể về hành vi phạm sẽ được HĐND TP. Hà Nội quy định trên cơ sở nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, trong quá trình thẩm tra, có ý kiến trong cho rằng, việc quy định HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn thành phố; quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.

>>> Mời độc giả xem thêm video Chàng shipper lao vào biển lửa cứu người vụ cháy chung cư mini


Theo Đời sống
back to top