<div> <figure class="item_slide_show clearfix"> <div> <div> <p style="text-align: justify;"><img alt="Chủ tịch Quốc hội" src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/04/chu-tich-quoc-hoi-1559635419_500x300.jpg" /></p> <p style="text-align: justify;"><em>Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu về việc lấy ý kiến đại biểu vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia chiều 4/6.</em></p> </div> </div> </figure> <p style="text-align: justify;">Trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 4/6, nhiều đại biểu đã nêu chất vấn liên quan đến tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định gây hậu quả nghiêm trọng.</p> <p style="text-align: justify;">Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chọn một vấn đề còn ý kiến khác nhau để tham khảo, xin ý kiến đại biểu</p> <p style="text-align: justify;">Việc xin ý kiến sáng 3/6, trước khi thông qua dự thảo <em>Luật Phòng chống tác hại của rượu bia</em> vào cuối kỳ họp (dự kiến 14/6), là do quá trình thảo luận trước đó nhiều đại biểu đề xuất tăng chế tài trước tình trạng tài xế sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông và cũng để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật chứ không phải biểu quyết thông qua Luật. </p> <p style="text-align: justify;"><strong>Qua lấy ý kiến, nếu đa số đại biểu ủng hộ bổ sung quy định nào vào dự thảo Luật thì ban soạn thảo sẽ tiếp thu; nếu không, Việt Nam vẫn áp dụng chế tài theo quy định hiện hành.</strong></p> <p style="text-align: justify;">Cụ thể, Quốc hội đã lấy ý kiến đại biểu với 3 nội dung còn nhiều tranh luận của dự Luật này; trong đó có quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông (hai phương án để đại biểu chọn).</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Võ Hải." src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/04/nguye-n-thi-kim-nga-n-4412-1559622907.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;"><em>Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Võ Hải.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;"><em><strong>Phương án một</strong></em> được lấy ý kiến là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn". Sau hai lần lấy ý kiến do lần đầu nhiều đại biểu "không nghe rõ nội dung", có 236 đại biểu đồng ý (48,76%) ở lần một và 214 đại biểu đồng ý (44,21%) ở lần biểu quyết thứ hai.</p> <p style="text-align: justify;"><em><strong>Phương án hai</strong></em> "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông", cũng chỉ nhận được 240 phiếu đồng ý (49,59%).</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Như vậy, kết quả lấy ý kiến đại biểu với cả hai phương án đều không quá bán, nghĩa là cả hai phương án trên đều không được bổ sung vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.</strong></p> <p style="text-align: justify;">Theo bà Kim Ngân, với kết quả trên, "rất tiếc dư luận hiểu nhầm rằng Quốc hội chưa muốn chế tài, chưa muốn xử lý với người sử dụng phương tiện giao thông uống rượu bia". Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội nói, pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu, bia rồi sử dụng phương tiện giao thông, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.</p> <p style="text-align: justify;">"Luật Giao thông đường bộ; Luật Đường sắt; Luật Giao thông thuỷ nội địa; Bộ Luật hình sự; Luật xử lý vi phạm hành chính... đều quy định rất đầy đủ. Do vậy không phải không bổ sung quy định trên vào Luật phòng chống tác hại rượu, bia thì chúng ta không có chế tài xử lý", bà Ngân nói.</p> <p style="text-align: justify;">Về việc vì sao các luật khác có quy định rồi, mà Quốc hội vẫn tiếp tục lấy ý kiến đại biểu để bổ sung nội dung đó vào dự thảo<em> Luật phòng chống tác hại của rượu bia</em>, bà Kim Ngân nói, "do mong muốn thu hút tất cả các nội dung đã quy định về việc sử dụng rượu, bia của người tham gia giao thông vào luật này; và do còn nhiều ý kiến khác nhau nên mới xin ý kiến đại biểu để có cơ sở tiếp thu".</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nêu lo lắng của cử tri về tình hình tai nạn giao thông gia tăng, "sáng dắt xe đi chiều không biết thế nào?". </strong></p> <p style="text-align: justify;">Chia sẻ với lo lắng của người dân, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói "không chỉ người Việt Nam mà du khách nước ngoài" cũng có tâm lý đó. Bộ Công an cùng các cơ quan đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về an toàn giao thông, bao gồm cả xử lý thách thức về kiểm soát chất kích thích. Việc Quốc hội lấy ý kiến đại biểu với 3 nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và kết quả lấy ý kiến cũng "cho thấy sự khó khăn trong kiểm soát".</p> <p style="text-align: justify;">Theo ông, Bộ Công an sẽ kiến nghị Quốc hội xây dựng <em>Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông</em>, trong đó có những chế tài để điều chỉnh, kiểm soát hành vi sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma tuý...).</p> <p style="text-align: justify;">Trước ý kiến của Bộ trưởng Công an về việc biện pháp đo nồng độ cồn với tài xế "có thể sẽ không được thực hiện nữa" với kết quả lấy ý kiến trên, đại biểu Kim Thuý giơ biển tranh luận.</p> <p style="text-align: justify;">Bà Thuý cho rằng, quy định liên quan đến hành vi sử dụng rượu, bia không đưa vào dự thảo <em>Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia</em> không có nghĩa là "bỏ trống" lĩnh vực này. Trong thực tế đã có quy định xử lý tài xế uống rượu, bia, vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong Luật giao thông đường bộ và Luật xử lý vi phạm hành chính, nghĩa là vẫn xử lý bình thường.</p> </div>