<div> <p>"Các bạn cũng hiểu <span>Huawei</span> đang gặp nhiều khó khăn. Sức ép liên tục từ Chính phủ Mỹ đã gây áp lực đối với chúng tôi. Ngay bây giờ, sinh tồn là mục tiêu của chúng tôi", Chủ tịch luân phiên Huawei, ông Guo Ping mở đầu bài phát biểu tại sự kiện Huawei Connect 2020 vào ngày 23/9.</p> <p>Tại hội nghị Huawei Connect 2020, các lãnh đạo Huawei đã giới thiệu các công nghệ, giải pháp của công ty này áp dụng cho doanh nghiệp và thành phố thông minh. Tuy nhiên, sự chú ý vẫn đổ dồn vào chiến lược sản phẩm của Huawei trong thời gian tới, khi lệnh cấm của Mỹ đưa ra giữa tháng 8 khiến Huawei không tiếp cận được nguồn cung chip.</p> <p>Hạn cuối để các đối tác giao chip cho Huawei cũng đã qua vào ngày 15/9.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="he dieu hanh harmony anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/24/94/znews-photo-zadn-vn_guo_ping_huawei_connect_2020_2_reuters.jpg" title="hệ điều hành harmony ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei thừa nhận công ty này chưa tìm được giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nguồn cung chip smartphone. Ảnh: <em>Reuters</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao của Huawei xuất hiện và nói về tình hình công ty sau lệnh cấm nói trên. Trong phần chia sẻ sau sự kiện, ông Guo Ping thừa nhận nguồn cung chip smartphone của công ty này đang ít dần.</p> <p>"Lượng chip dành cho sản phẩm doanh nghiệp của chúng tôi vẫn còn đủ, nhưng công ty đang phải tìm các cách khác để giải quyết vấn đề thiếu hụt chip cho smartphone, bởi Huawei cần tới hàng trăm triệu chip smartphone mỗi năm", ông Guo Ping trả lời câu hỏi về những khó khăn của Huawei hiện tại.</p> <p>Ngày 22/9, phát ngôn viên Intel cho biết họ đã nhận được giấy phép từ chính phủ Mỹ để cung ứng một số sản phẩm cho Huawei. Trước đó, <em>Wall Street Journal</em> cũng đưa tin Qualcomm đã xin giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ để bán chip cho Huawei.</p> <p>"Chúng tôi có thể sử dụng chip của Qualcomm trên smartphone của mình nếu họ xin được giấy phép từ Chính phủ Mỹ. Qualcomm vẫn là đối tác lâu năm của chúng tôi trong hơn 10 năm qua", ông Ping chia sẻ thêm.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="he dieu hanh harmony anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/24/50/znews-photo-zadn-vn_z15310082020.jpg" title="hệ điều hành harmony ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Với sức ép từ Mỹ, Huawei đã phải từ bỏ các dòng chip Kirin tự phát triển, được coi là niềm tự hào công nghệ của họ. Ảnh: <em>Android Authority. </em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trong bài phát biểu cũng như phần hỏi đáp, Chủ tịch Huawei đều nhấn mạnh về việc kết hợp với các công ty khác như một cách đối phó với khó khăn.</p> <p>"Huawei rất mạnh về thiết kế chipset và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ những nhà cung ứng để tăng khả năng sản xuất và nguyên liệu của họ. Giúp họ cũng là giúp đỡ chính chúng tôi", ông Ping giải thích.</p> <p>Chủ tịch Huawei cho biết công ty này đang cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng bằng cách giúp đỡ nhiều đối tác khác. Ông Ping lấy ví dụ Cooler Master, nhà cung cấp giải pháp làm mát cho Huawei trong nhiều năm qua.</p> <p>"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng các đối tác để nâng cao năng lực của họ, đảm bảo rằng cả họ sẽ đạt được nhiều lợi ích và cả hai cùng phát triển", ông Guo Ping cho biết.</p> <p>Tuy gặp khó về phần cứng, đại diện Huawei lại khá tự tin về dịch vụ Huawei Mobile Services (HMS) trên smartphone, trong đó có hệ điều hành Harmony OS. Ông Zhang Ping An, Chủ tịch khối Dịch vụ đám mây cá nhân của Huawei khẳng định HMS hiện có 1,8 triệu nhà phát triển trên toàn cầu, với 96.000 ứng dụng. Số lượng người sử dụng hàng tháng AppGallery, kho ứng dụng của Huawei là 490 triệu người.</p> <p>Ông Zhang cũng tiết lộ Huawei đang thương thảo với nhiều hãng smartphone Trung Quốc khác để cài đặt Harmony OS trên điện thoại của họ.</p> </div> <p> </p>