<div> <p><span>Chiều 5/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải trình thêm một số vấn đề tại phiên chất vấn HĐND thành phố Hà Nội.</span></p> <p>Liên quan đến vấn đề nước sạch, ông Chung cho biết, vừa qua, thành phố xảy ra hai sự cố ở nhà máy nước mặt sông Đà và những thông tin liên quan Nhà máy nước mặt sông Đuống có minh bạch hay không.</p> <p>“Hôm nay tôi phải nói thực là tại cuộc giao ban ngày 29/11, chúng tôi đã đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tôi cũng mong muốn mọi người thông cảm vì đồng chí là tân giám đốc Sở. Một phát biểu rất sai lầm và để dư luận hiểu nhầm là người dân phải chịu tiền (vay lãi – PV) trong giá nước là 2.003 đồng/mét khối”, ông Chung nói.</p> <p>Theo ông Chung, cơ cấu giá nước gồm các nội dung: giá của một khối nước được sản xuất, hai là giá liên quan đến vận chuyển, 3 là giá của quản trị, quản lý và thứ tư là lãi suất 5%. Thứ 5 là liên quan đến thất thoát 25%.</p> <p>Theo ông Chung, vấn đề nước sạch là vấn đề liên miên trong những năm vừa qua, khi cứ đến mùa thiếu nước là các khu chung cư, khu dân cư thay nhau bị cắt nước.</p> <p>“Để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân, trong những năm qua thành phố đã đề xuất Thủ tướng cho quy 2 đầu mối quản lý nước thành một đàu mối là Sở Xây dựng. Thứ hai là đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh lại quy hoạch nước của năm 2013. Trong quy hoạch được phê duyệt, có một vấn đề quan trọng là kết cấu cung cấp nước được kết nối theo mạch vòng để đảm bảo cung cấp nước”, ông Chung nói.</p> <p>Cùng với đó, ông Chung cho biết, thành phố đã kêu gọi các đơn vị tư nhân vào đầu tư, cho đến nay có 23 nhà đầu tư với 38 dự án cung cấp các nhà máy nước và các dự án cung cấp liên quan mạng cung cấp nước. Hiện, thành phố nâng công suất của nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì lên 150 nghìn mét khối/ngày đêm. Nhà máy nước tại Ba Vì của tư nhân nâng lên 60 nghìn mét khối/ngày đêm. Ba là nhà máy nước sông Hồng của tư nhân tại Đan Phượng, công suất 300 nghìn mét khối/ngày đêm. Thứ tư là Nhà máy nước mặt sông Đuống, 300 nghìn mét khối/ngày đêm, giai đoạn sau sẽ là 600 nghìn mét khối/ngày đêm. Thứ 5 là một nhà máy tư nhân trên Mê Linh. Thành phố cũng kêu gọi Nhà máy nước Hà Nam cung cấp ngược lên cho Phú Xuyên, Thường Tín; Nhà máy nước Nguyên Bình lấy nước mặt ở Thái Nguyên thông qua Vĩnh Phúc để vào Mê Linh.</p> <p>Ông Chung cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố và các nhà đầu tư, năm nay thành phố đã không thiếu nước. Hết năm nay, sẽ có khoảng 75% dân số vùng nông thôn được cấp nước theo tiêu chuẩn đô thị. Ông Chung cho rằng, nếu không đẩy nhanh vấn đề cấp nước cho vùng nông thôn, chương trình nông thôn mới sẽ bê tông hóa toàn bộ các con đường, khi lắp mạng đường ống nước sẽ phải cắt đường, gây lãng phí lớn.</p> <p>Quay lại chủ đề giá nước, ông Chung cho biết, thành phố thực hiện nghiêm túc theo quyết định 38 và 39 năm 2013 của thành phố, cho đến nay không thay đổi.</p> <p>“Trong thời gian qua thành phố có thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/mét khối là để phục vụ cho họ lập dự án. Thành phố cũng thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Hồng tại Đan Phượng là 10.365 đồng/mét khối để họ lập dự án. Nhưng mà nhà máy đang chậm”, ông Chung thông tin đồng thời cho biết, sẽ kiên trì đẩy nhanh cấp nước sạch bởi đây là giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.</p> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p>Trước đó, chiều 12/11, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, phóng viên báo <em>Tiền Phong </em>đặt vấn đề về việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản từng có công văn đồng ý mức giá tạm tính của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/mét khối. Câu hỏi đặt ra là cơ sở nào để đưa ra mức giá cao hơn giá nước sạch của các đơn vị khác cùng cung ứng trên địa bàn thành phố, và lộ trình tăng giá như thế nào?</p> <p>Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, mức giá 10.246 đồng/mét khối là mức giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư.</p> <p>Ông Hà cho biết, thứ nhất là công nghệ nhà máy khác nhau, dẫn đến suất đầu tư của nhà máy khác nhau. Ví dụ như tại thời điểm nhà máy sông Đà đi vào hoạt động năm 2009 thì cái giá tài sản đưa vào để tính khấu hao của nhà máy là 1.555 tỷ, nhưng công nghệ và giá đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống trong quyết định phê duyệt đầu tư của thành phố được xác định là 4.998 tỷ.</p> <p>“Ở đây rõ ràng là quy mô đầu tư và suất đầu tư có khác nhau. Thứ hai là chất lượng của nguồn nước thô vào khác nhau. Chất lượng nước sông Đà khác, của sông Đuống khác”, ông Hà nói.</p> <p>Cụ thể hơn, ông Hà cho biết, liên quan đến lãi vay cũng ảnh hưởng đến giá nước. Nhà đầu tư nước mặt sông Đuống hiện vay 80%, tương ứng số cụ thể là khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng tính giá nước thì chi phí lãi vay này sẽ phải được tính vào trong giá nước.</p> <p>Ở đây, chi phí lãi vay có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong giai đoạn thực hiện dự án, được tính vào trong giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Còn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay Cty phải trả hàng năm, lãi vay ấy được tính vào trong giá thành.</p> <p>“Theo báo cáo của Cty thì riêng phần chi phí lãi vay ở đây rơi vào khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong số tạm tính 10.246 đồng”, ông Hà nói.</p> <p>Trong khi đó, theo ông Hà, đến thời điểm này, phía Cty sông Đà không phải trả phần lãi vay, nên giá có sự chênh lệch.</p> <p>Yếu tố thứ hai làm chênh lệch giá thành theo ông Hà là khấu hao tài sản. “Bên sông Đà thì tổng mức đầu tư là khoảng hơn 1.500 tỷ nhưng Cty sông Đuống thì khoảng gần 5 nghìn tỷ. Rõ ràng là tổng mức đầu tư lớn hơn thì chi phí khấu hao lớn hơn, và ở đây thì chi phí khấu hao của nước mặt sông Đuống theo báo cáo của Cty là khoảng 2.100 đồng, chiếm 24%”, ông Hà nói.</p> <p>Ông Hà cũng nhắc tới yếu tố đầu vào. Đối với nhà máy nước sông Đà thì được dẫn nguồn nước từ hồ Đầm Bài. Còn sông Đuống thì phải bơm nước trực tiếp từ sông Đuống vào một hồ lắng ở phía trong, chất phù sa của sông Đuống nhiều hơn và đơn vị phải xử lý bùn thải lọc ở dưới. “Theo báo cáo của đơn vị, dự kiến vào khoảng 1.000 đồng, tức khoảng 1%”, ông Hà thông tin.</p> <p>Chi phí thứ tư, theo ông Hà là liên quan đến nguyên vật liệu trực tiếp. Do chất lượng nguồn nước thô của sông Đà, sông Đuống khác nhau. Chất lượng nước thô khác nhau dẫn đến hao phí về xử lý vật tư hóa chất khác nhau. Và nước sông Đuống phải xử lý nhiều hơn, cao hơn rất nhiều so với nước sông Đà mới có thể sử dụng được.</p> <p>“Đó là những cái ảnh hưởng và chi phí vật liệu trực tiếp này nó cũng chiếm khoảng 15%. Khoản 4 chi phí đó thôi thì thấy rõ có sự chênh lệch giữa nhà máy nước sông Đuống và nhà máy nước sông Đà”, ông Hà nói.</p> <p>Ông Hà cho rằng, trách nhiệm của Sở Tài Chính là phải thực hiện thẩm định giá, làm sao tính đúng, tính đủ, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và của nhà nước. “Đấy là nguyên tắc chúng tôi vẫn luôn xác định. Do vậy, khi chúng ta xác định giá thành của bất cứ một sản phẩm nào của đơn vị nào thì đều phải có căn cứ để thuyết phục và khi trình lên thành phố, nếu chúng tôi không có căn cứ thì cũng không được phê duyệt”, ông Hà khẳng định.</p> </blockquote> </div> <p>Trường Phong</p> </div> <p> </p>