<div> <p style="text-align: justify;">Chiều 2/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đi kiểm tra việc thử nghiệm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ của châu Âu. Khu vực được lấy mẫu thử nghiệm nằm gần đầu nguồn sông Tô Lịch, giữa phố Nguyễn Đình Hoàn, quận Cầu Giấy.</p> <p style="text-align: justify;">Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng kiểm tra công tác thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ ngày tại vị trí gần cầu Khương Đình (quận Thanh Xuân), gần cuối nguồn sông Tô Lịch.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Ông Nguyễn Đức Chung kiểm tra việc làm sạch sông Tô Lịch chiều 2/6. Ảnh: Ngọc Hải." src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/03/chu-ti-ch-hn-9427-1559491253.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;"><em>Ông Nguyễn Đức Chung kiểm tra việc làm sạch sông Tô Lịch vào chiều 2/6. Ảnh: Ngọc Hải.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Trước đó (ngày 16/5), sông Tô Lịch, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy cũng bắt đầu được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản.</p> <p style="text-align: justify;">Kết quả quan trắc chất lượng nước cho thấy, sau 3 ngày lượng khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối đã giảm nhanh chóng; sau 7 ngày, bùn dưới đáy sông bắt đầu bị phân hủy, giảm từ hơn một mét xuống còn khoảng 76 - 91cm, xuất hiện lớp nước trong trên bề mặt bùn.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng kiểm tra việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ châu Âu. Ảnh: Ngọc Hải." src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/03/nguye-n-the-hu-ng-5281-1559491253.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;"><em>Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng kiểm tra việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh: Ngọc Hải.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. Trong đó chứa các chất thải nguy hại như cyanure, thủy ngân, nước thải bệnh viện của thành phố.</p> <p style="text-align: justify;">10 năm qua, Hà Nội nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng chưa hiệu quả.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản hôm 16/5. Ảnh: Võ Hải." src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/03/co-ng-nghe-nha-t-ba-n-5236-1559491253.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p style="text-align: justify;"><em>Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản hôm 16/5. Ảnh: Võ Hải.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Năm 2003, Hà Nội đã nạo vét và kè hai bên bờ sông. Từ năm 2011, thành phố đã nghiên cứu phương án bổ cập nước sông cho sông Tô Lịch từ sông Nhuệ. Năm 2014, Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội thả 38 cụm bè thủy sinh từ đoạn Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi nhằm tạo cảnh quan và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Cuối năm 2015, thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Hà Lan để nghiên cứu các giải pháp cải tạo sông Tô Lịch.</p> <p style="text-align: justify;">Tháng 3/2017, UBND Hà Nội tiếp nhận khoản tài trợ ODA không hoàn lại khoảng 700.000 USD để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch khu vực Vĩnh Ninh – Đại Áng. Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày, đêm, được khởi công vào tháng 10/2016, bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.</p> <p style="text-align: justify;">Mới đây, Công ty thoát nước Hà Nội cũng đang đề xuất đưa nước từ sông Hồng làm sạch hồ Tây và thau rửa làm sạch sông Tô Lịch. </p> <blockquote> <p style="text-align: justify;">Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.</p> <p style="text-align: justify;">Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 200 cửa xả nước thải.</p> </blockquote> </div>