<div> <p><span>Chiều 4/5, phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, đến nay, Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ. Trên địa bàn còn 2 ổ dịch sắp hết hạn cách ly. Thành phố đã qua 21 ngày không phát sinh ca mắc mới. Toàn thành phố đã triển khai sâu rộng các biện pháp phòng ngừa nghiêm túc và hiệu quả.</span></p> <p>“Tất cả các trường hợp mắc bệnh đã được chữa khỏi về lại trên địa bàn cần tiếp tục yêu cầu cách ly tại nhà, khuyến khích 30 – 35 ngày, hàng tuần lấy mẫu xét nghiệm”, ông Chung yêu cầu.</p> <p>Cùng với các biện pháp phòng chống dịch, ông Chung cũng cho biết, thành phố đang thực hiện nhiệm vụ kép phát triển kinh tế, triển khai việc tiêu thụ các nông, thủy sản; nhân rộng các đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Thành phố cũng thực hiện chi trả khoảng hơn 500 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42.</p> <p>Ông Chung yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về phòng chống dịch, hình thành thói quen đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách cho người dân. “Thành phố vẫn khuyến cáo nếu không có việc cần thiết thì không nên tụ tập ở nơi đông người”, ông Chung nói.</p> <p>Ông Chung nêu thông tin, trong ngày đi học trở lại đầu tiên đã phát hiện 3 học sinh bị sốt, đã cho nghỉ kịp thời, lấy mẫu. Thời gian này cũng bắt đầu vào mùa sốt xuất huyết, vì thế, cần triển khai các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết như phun thuốc, tuyên truyền người dân không để các nơi chứa nước tù đọng, không để phát sinh dịch chồng dịch.</p> <p>Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh. Trong đó, 3 vấn đề cần thực hiện tốt là phát hiện nhanh, kịp thời tất cả các trường hợp có ho, sốt, đau họng; thứ hai là các trường hợp nghi ngờ phải cách ly kịp thời; thứ ba là phải lấy mẫu xét nghiệm ngay. Bài học trong thời gian qua là phải truy được dấu vết nguồn lây để xác định các dạng tiếp xúc (F1, F2…) để cắt đứt nguồn lây.</p> <p>Từ đó, ông Chung cho rằng, cần phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện để dự trữ cho công tác y tế, như về nhân lực xét nghiệm, nhân lực khám chữa bệnh, nguồn lực về cơ sở vật chất. Ông Chung cho biết, ngày 5/5 sẽ có cuộc họp rà soát về công tác mua sắm, chuẩn bị phòng chống dịch cho thời gian dài chứ không phải 1 – 2 tháng.</p> <p>Ông Chung tiếp tục yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thành phố duy trì việc chỉ cho một người thân vào chăm sóc người bệnh nặng. Việc này góp phần giảm được 50 – 60 nghìn người đi lại trên địa bàn thành phố. Chủ tịch Hà Nội cũng lưu ý, trong những ngày tới, lượng người đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện có thể tăng cao, vì thế, cần ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn giờ thăm khám, tránh tập trung đông người, ùn ứ.</p> <p>Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tất cả các trường hợp công chức, viên chức, y tá, bác sĩ, giáo viên, học sinh… nếu ốm thì khuyến cáo nghỉ ở nhà. Nếu có dấu hiệu sốt thì phải cách ly để xét nghiệm.</p> <p>Về vấn đề giáo dục, ông Chung biểu dương các trường đã chuẩn bị tốt để học sinh trở lại trường từ hôm nay. Theo ông Chung, tất cả giáo viên, học sinh phải tiếp tục được tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống COVID-19, đặc biệt là xử lý các tình huống liên quan. “Phải học thuộc lòng các tình huống này”, ông Chung nói.</p> <p>Ông Chung cũng cho rằng, nếu yêu cầu khoảng cách từ 1 – 2 mét trong lớp thì rất khó, các trường cần nghiên cứu khoảng cách để đảm bảo an toàn. Cũng phải tự tin vì thành phố đã quản lý, ngăn chặn mầm bệnh, đặc biệt là trong nội địa rất tốt.</p> <p> </p> </div> <p> </p>