Thế nhưng, sau hơn 400 năm hình thành, xây dựng và cải tiến, xung quanh vấn đề nguồn gốc chữ quốc ngữ vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau từ các học giả, nhà nghiên cứu.
Còn với người “ngoại đạo”, thì có khi sự hiểu biết là con số 0. Loạt bài “Chữ quốc ngữ – “hồn trong nước” với ý kiến của nhiều học giả, ngõ hầu đem đến cho độc giả những điều “tỉnh trước” về loại chữ viết chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày, quen mà chưa hẳn “thuộc” này.
GS. TS Trần Trí Dõi, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kỳ 1: Người nước ngoài đầu tiên thạo tiếng Việt
Khi nói đến chữ quốc ngữ, có một câu hỏi làm dấy lên bao cuộc tranh luận nảy lửa, đó là: Ai là “cha đẻ” của chữ quốc ngữ, đó có phải là người đầu tiên thông thạo tiếng Việt hay không?
Tên khai sinh “quốc ngữ”
Nói về “đứa con” quốc ngữ, điều đầu tiên có lẽ phải hiểu được về tên gọi “quốc ngữ” trong dòng chảy lịch sử ngôn ngữ Việt. Theo GS. TS Trần Trí Dõi, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội “trong lịch sử ngôn ngữ Việt, cách gọi “Quốc ngữ” được dùng để chỉ hai loại văn tự khác nhau của người Việt.
Ban đầu khi chữ Nôm ((một loại văn tự được người Việt sáng tạo ra trên cơ sở một loại văn tự khác – chữ Hán – dùng để ghi lại tiếng nói của người Việt – PV) xuất hiện, tên gọi “Quốc ngữ” cũng được người ta dùng để chỉ chữ Nôm.
Cách gọi này cùng song hành với một tên gọi khác là “Quốc âm” (như Quốc âm thi tập – tập thơ bằng Quốc âm – của Nguyễn Trãi chẳng hạn), dùng để phân biệt với loại văn tự khác không phải là “Quốc ngữ” hay “Quốc âm” thời bấy giờ.
Cách gọi có ý nghĩa như vừa nói ở trên còn có ý nghĩa phân biệt chữ Nôm là thứ chữ của “tiếng nói nước mình”, khác với một loại chữ “không phải của nước mình” và về sau không còn được tiếp tục duy trì nữa. Hiện nay, cách gọi “Quốc ngữ” để chỉ loại văn tự dùng con chữ Latinh để ghi âm tiếng Việt”.
Tuy nhiên, cách gọi ấy có từ bao giờ, và khi nào thì người ta không còn dùng tên gọi “Quốc ngữ” để chỉ chữ Nôm nữa thì GS.TS Dõi cho biết, ông còn “chưa gặp một tài liệu nào” đề cập đến. Còn trong loạt bài này, khi nói đến chữ quốc ngữ, là nói về loại văn tự dùng con chữ Latin mà hiện nay chúng ta đang dùng.
“Tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót”
Vào thế kỷ XVI – XVII, kinh tế tiền tệ phát triển mạnh mẽ thúc đẩy sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu. Sau các cuộc phát kiến địa lý, người châu Âu đua nhau vượt các đại dương đi buôn bán, xâm chiếm các vùng đất mới. Các nước như Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, Hà Lan… tranh giành nhau lập căn cứ, thị trường và xâm chiếm thuộc địa trên khắp thế giới.
Thuyền buôn châu Âu tại cửa Hội An thế kỷ XVII.
Thiên Chúa giáo đi cùng những người khai phá, trở thành phương tiện quan trọng để người phương Tây thâm nhập vào các nước Á, Phi, Mĩ latin; lúc này các nhà truyền giáo là những người đồng hành với những thương nhân, thực dân tới các khu vực châu Á và thế giới.
Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo với nhiều quốc tịch như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, trong đó Bồ Đào Nha chiếm số lượng đông đảo nhất, từ nhiều dòng tu khác nhau như Dòng Đa Minh, Dòng Phanxicô, Dòng Tên đi truyền giáo theo sự phân công của Giáo hội La Mã.
Để tránh sự can thiệp, cấm đoán của chính quyền sở tại, các giáo sĩ thường đến truyền bá Thiên chúa giáo ở những vùng ven biển, vùng sâu, vùng xa. Tại Việt Nam, chỉ tính từ năm 1615 – 1625 đã có hơn 20 giáo sĩ Dòng Tên hoạt động.
Để thuận lợi cho việc thâm nhập vào dân chúng và truyền giáo, họ buộc phải tìm cách học tiếng Việt. Nhưng đối với các nhà truyền giáo, ngôn ngữ ở địa phương lúc bấy giờ “tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót”, họ không thể hiểu được, đặc biệt, thời điểm đó người Việt vẫn dùng chữ Nôm, học quá khó, nên các giáo sĩ đã sử dụng ký tự Latin.
Như vậy mục đích ban đầu của việc chế tác loại chữ mới, là giúp người ngoại quốc học tiếng Việt chứ không phải là sáng tạo để phổ biến chữ quốc ngữ cho người Việt.
Người đầu tiên thông thạo tiếng Việt
Trong số những giáo sĩ lúc bấy giờ, người được đánh giá thông thạo tiếng Việt đầu tiên đó là Francisco de Pina. Sau này, trong lời tựa cuốn Từ điển Annam – Bồ – Latin, chính A.de Rhodes, một học trò của Pina đã thừa nhận Francisco de Pina là: “Người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”.
Francisco de Pina (1585 – 1625), sinh tại thành Guardan, tại Bồ Đào Nha. Khoảng năm 19 tuổi, ông gia nhập Dòng Tên. Đến năm 1617, ông thụ phong linh mục và được cử đến xứ Đàng Trong, làm việc tại trú sở Hội An.
Vừa đặt chân tới Hội An ông lao vào học tiếng Việt với một tinh thần hăng say và đáng ngưỡng mộ, nhờ thế trong một thời gian ngắn, ông đã có thể trực tiếp đàm thoại với người bản địa, là người đầu tiên và duy nhất giảng đạo trực tiếp cho giáo dân bản địa bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
Trang đầu tiên trong “Phép giảng tám ngày” in năm 1961. Bên trái là chữ La – tinh, bên phải là chữ quốc ngữ.
Thật không may, Francisco de Pina qua đời trong một tai nạn lật thuyền, khi sự nghiệp, nhiều ước vọng, dự định vẫn còn dang dở. Theo nhà nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên (Quảng Nam) và Đinh Bá Truyền (Hoa Kỳ), với niềm tin sâu sắc di cảo của giáo sĩ Pina vẫn còn ở đâu đó trên thế giới, nhà ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques vất vả hàng chục năm ròng đi tìm.
May mắn, ông đã phát hiện ra hai tác phẩm chưa công bố của Pina. Đó là bức thư viết dở bằng Bồ ngữ dài 7 trang cho Đức cha bề trên ở Ma Cao và tiểu luận dài 22 trang Nhập môn tiếng Đàng Ngoài bằng La ngữ tại Thư viện quốc gia Bồ Đào Nha.
Bức thư viết dở đó có đoạn: “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả và các thanh điệu của ngôn ngữ này, và con đang lao vào ngữ pháp. Tuy nhiên, dù con đã tập hợp các truyện thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của tác giả nhằm củng cố ngữ nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp, cho đến bây giờ con phải nhờ ai đó đọc các từ đó cho con.
Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người của chúng ta có thể đọc và học các từ đó thuộc lòng, như học Cicéron và Virgle vậy. Vả lại con đã có ba tập, tập hợp các văn bản có phân tích trong số các văn bản hay nhất ở vương quốc này”.
Theo Roland Jacques cuốn ngữ pháp và ba tập, hai tài liệu quý hơn vàng đó đến nay chưa được tìm thấy. Nếu được phát hiện, chúng ta sẽ biết rõ hơn về buổi bình minh và nhìn nhận đúng công lao của Pina đối với chữ quốc ngữ. Jacques cũng là người đưa rất nhiều lập luận bảo vệ quan điểm, Pina mới là cha đẻ của chữ quốc ngữ.
Trong tác phẩm “Nhập môn tiếng Đàng Ngoài” mà theo Roland Jacques là của Pina thì các phương pháp ký âm tiếng Việt còn “siêu” hơn so với cách phiên âm của các giáo sĩ về sau, giống chữ quốc ngữ ngày nay một cách đáng ngạc nhiên và so với Từ điển Việt – Bồ – La có phần tân tiến hơn. Ví dụ:
Kẻ có tài thì haọc – Kẻ có tài thì học
Thàng nào lành thì deạy – Thằng nào lành thì dạy
Cha lo viẹc bây giờ – Cha lo việc bây giờ
Đi đàng kia làm chi – Đi đàng kia làm chi
Hôm qua tôi mạc chép thư nói chảng được – Hôm qua tôi mắc chép thư nói chẳng được.
(Còn tiếp)
Mai Loan