Chủ quan với sốt, bé trai 15 tuổi suýt tử vong vì sốc nhiễm trùng huyết

Không nên chủ quan ngay cả khi triệu chứng ban đầu có vẻ không đáng lo ngại. Bé trai 15 tuổi bị sốt thông thường, gia đình tự điều trị tại nhà đã nguy kịch và có thể tử vong nếu đến viện sau 6 giờ.

Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An vừa cấp cứu thành công một trường hợp bé P.V.P (ngụ tại Long An) bị sốc nhiễm trùng huyết nguy kịch.

Người nhà cho biết: P. có biểu hiện sốt hơn một tuần nay, gia đình đã tới hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về cho cháu uống nhưng cơn sốt không thuyên giảm.

Vài ngày sau đó, P. bắt đầu xuất hiện tình trạng bầm tím ở da vùng gối, nhức mỏi cơ và vẫn còn sốt kéo dài. Thấy vậy, gia đình đã nhanh chóng đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An để cấp cứu.

Tại khoa cấp cứu, bác sĩ ghi nhận tình trạng sốt kéo dài, với tổng trạng khá tốt. Các xét nghiệm ban đầu ghi nhận chỉ số bạch cầu và viêm tăng cao, rối loạn cân bằng nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan.

Kết quả chụp CT 160 lát ổ bụng cho thấy: gan to và tổn thương kính mờ ở đáy phổi hai bên, kèm theo dịch ổ bụng lượng ít. Bệnh nhi nhanh chóng được chỉ định nhập Khoa Nhi để điều trị.

Tại khoa Nhi, huyết áp bệnh nhi tụt xuống mức đáng lo ngại, mạch nhanh nhỏ, tổng trạng mệt mỏi, chóng mặt, các chỉ số nhiễm trùng xấu dần, bạch cầu tăng lên 26.5K, tiểu cầu giảm còn 13k/ul, men gan tăng.

Các bác sĩ nhận định nhận định đây là tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan. Bệnh nhi được tiến hành điều trị chống sốc, sử dụng kháng sinh mạnh để ổn định.

Sau 6 giờ điều trị tích cực, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và xuất viện sau 14 ngày điều trị.

Chủ quan với sốt, bé trai 15 tuổi suýt tử vong vì sốc nhiễm trùng huyết

Chủ quan với sốt, bé trai 15 tuổi suýt tử vong vì sốc nhiễm trùng huyết

BS. Minh – Bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhi cho biết: Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhi ghi nhận căn nguyên gây nhiễm khuẩn là do vi khuẩn tụ cầu.

Ban đầu vi khuẩn có thể gây ra các tổn thương ngoài da như nhọt, chín mé, hoặc viêm tấy tại các vết thương hở. Nếu được phát hiện và điều trị đúng bệnh, kịp thời, trẻ sẽ có thể khỏi hoàn toàn.

Một số trường hợp vi khuẩn lan vào máu và gây ra tổn thương nhiều cơ quan như não, tim, phổi dẫn đến hội chứng sốc nhiễm độc, có thể dẫn đến tử vong.

Trường hợp này là lời nhắc nhở đối với các bậc huynh, không nên chủ quan ngay cả khi triệu chứng ban đầu có vẻ không đáng lo ngại.

Gia đình nghĩ bệnh nhi chỉ sốt thông thường, không nhận ra rằng tình trạng bệnh đang trở nên nghiêm trọng. Khi đến bệnh viện thì cháu đã tổn thương đa cơ quan, đang trong bệnh cảnh sốc nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng huyết do tụ cầu. Nếu đến trễ hơn từ 5 đến 6 tiếng, bệnh nhi có thể đã tử vong.

Qua đây, bác sĩ Minh muốn cảnh báo về tính chất nghiêm trọng của căn bệnh nhiễm trùng huyết gây ra cho cơ thể.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Để phòng tránh nhiễm trùng huyết do tụ cầu vàng cho trẻ, các bậc phụ huynh cần:

Giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, tránh để mồ hôi vì đây là điều thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh.

Khi tắm cho trẻ nhỏ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn.

Thận trọng với mụn nhọt và các vết thương ngoài da của trẻ bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ đến khi vết thương lành. Không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu.

Chăm sóc dinh dưỡng nâng cao thể trạng cho trẻ.

Khi trẻ sốt cao, mệt mỏi, ăn kém, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
back to top