Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL: Biến "nguy" thành "cơ"

(khoahocdoisong.vn) - Nuôi vịt biển, trồng dừa sáp, xây hồ chứa tích nước ngọt… là những mô hình chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, đã giúp biến "nguy" thành "cơ".

Nhờ có hồ chứa nước, những cánh đồng tại xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh chống được khô mặn.

Các mô hình hiệu quả thích ứng biến đổi khí hậu

Với phương châm biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, tăng diện tích canh tác trên nền tảng nước lợ và nước mặn, thúc đẩy phát triển bền vững theo hướng gắn kết chuỗi giá trị gia tăng… Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đã thực hiện chuyển đổi mô hình, cơ cấu sản xuất, chủ động từng bước thích nghi với biến đổi khí hậu.

Bà Cúc và mô hình nuôi vịt biển.

Bà Cúc và mô hình nuôi vịt biển.

Bà Lê Thị Kim Cúc, ấp 9, xã Hưng Hiệp, Ba Tri, Bến Tre chia sẻ, trước khi nuôi vịt biển, bà từng nuôi vịt quế. Sau một thời gian nuôi, so sánh thì thấy, vịt biển tăng trọng nhanh hơn, thích hợp với môi trường nước mặn và nước lợ. Vịt ít bị nhiễm bệnh thông thường so với vịt quế. 

Với thời gian nuôi từ 55 đến 60 ngày, mỗi con vịt biển đạt trọng lượng khoảng 2,5 – 2,6kg và có thể đẻ trứng chỉ sau 5 - 6 tháng nuôi với năng suất từ 240 - 245 trứng/con/năm. Giá bán dao động từ 37.000 - 43.000đ/kg. Nhờ có vịt biển, bà thoát hộ nghèo, nuôi được các con ăn học.

Mô hình nuôi vịt biển thuộc chương trình do Dự án AMD Bến Tre phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre triển khai thực hiện

Ông Phạm Kim Thành, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết, mô hình nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu là một hướng đi mới cho những vùng ven biển khi nguồn nước ngọt, nước lợ ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp, tiếp tục tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cũng như liên kết tìm đầu ra ổn định và nhân rộng mô hình. 

Vườn dừa sáp trồng bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, cấy mô.

Vườn dừa sáp trồng bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, cấy mô.

Tại Trà Vinh, tỉnh có diện tích dừa đứng thứ 2 ở ĐBSCL với diện tích 23.698ha, một trong những mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tiêu biểu của vùng này, đó chính là trồng dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô.

Giống dừa này là sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh.

Cây dừa sáp cấy phôi có thể chịu độ mặn rất cao, trồng được ở những vùng đất khó. Đây là loại cây thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn.

Đặc biệt, dừa sáp truyền thống, mỗi buồng chỉ cho tỷ lệ trái dừa sáp từ 20 - 30%. Nhưng với giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, tỷ lệ trái dừa sáp đạt từ 80 - 90%.

Anh Đặng Minh Bé (ấp Bình La, xã Lương Hoà, huyện Châu Thành) chia sẻ, năm 2017, sau khi tìm hiểu kỹ về phương pháp trồng dừa sáp nuôi cấy phôi, anh đã trồng thử nghiệm 600 cây dừa sáp bằng kỹ thuật này trên diện tích 3ha.

Trái dừa sáp trong vườn anh Bé. Dừa sáp có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, cho giá trị kinh tế cao.

Trái dừa sáp trong vườn anh Bé. Dừa sáp có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, cho giá trị kinh tế cao.

Đến nay, bình quân mỗi cây dừa cho thu 7 trái/đợt. Những ngày chính vụ, dừa sáp cũng có giá từ 100.000 - 150.000đ/trái. Bình quân, mỗi cây dừa sáp cấy phôi cho thu khoảng 1 triệu đồng/tháng, hiệu quả gấp 5 - 10 lần dừa sáp trồng bằng phương pháp truyền thống và 20 lần so với trồng dừa thông thường.

“Giống dừa này hoàn toàn có thể trồng được ở các vùng khác trên cả nước”, anh Bé chia sẻ.

Cũng tại Trà Vinh, một mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu rất hiệu quả là hồ trữ nước Long Sơn, do Sở NN&PTNT Trà Vinh đã phối hợp UBND huyện Cầu Ngang xây dựng năm 2016.

Hồ trữ nước Long Sơn.

Hồ trữ nước Long Sơn.

Hồ trữ nước Long Sơn có diện tích 1,1ha, dung tích 26.500m3 cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 28ha chuyên canh màu.

Bên cạnh đó, người dân còn được Dự án AMD Trà Vinh hỗ trợ đầu tư thêm hệ thống tưới sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo phục vụ trồng màu, gồm hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới, máy bơm điều áp chạy luân phiên, đường ống tưới, gồm đường ống chính, ống rẽ cho từng hộ đến đồng hồ nước, nhà bao che máy bơm và thiết bị điều khiển phục vụ 9 hộ dân trồng màu trong ấp.

Hồ trữ nước Long Sơn và hệ thống tưới tiêu đã giúp những cánh đồng "hồi sinh", đem lại niềm vui cho người nông dân.

Hồ trữ nước Long Sơn và hệ thống tưới tiêu đã giúp những cánh đồng "hồi sinh", đem lại niềm vui cho người nông dân.

Ông Trần Văn Công Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh cho biết, từ ngày có hồ nước này, bà con không phụ thuộc vào nguồn nước mặt lúc có lúc không, lúc mạnh, lúc yếu nữa. Xã có báo cáo huyện trước mắt thí điểm, sau khi tổng kết, đánh giá sẽ có đề xuất để nhân rộng mô hình này.

Muốn phát triển bền vững, phải thích ứng BĐKH

Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH (Nghị quyết 120) cùng với Luật Quy hoạch năm 2017, Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về liên kết vùng có thể coi là bộ ba “chính sách vàng” mang lại vận hội mới rất quý cho ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo tổng kết mới đây, việc triển khai Nghị quyết 120 đối với vùng ÐBSCL vẫn còn gặp một số hạn chế như cơ chế chính sách chậm đi vào thực tiễn, nhất là cơ chế điều tiết vùng;  thiếu sự chủ động liên kết của các bộ, ngành, địa phương; khó khăn trong huy động nguồn lực…

Ông Nguyễn Hồng Tín, Viện nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ.

Ông Nguyễn Hồng Tín, Viện nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Hồng Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ, sau khi tổng kết Nghị quyết 120, chắc chắn Chính phủ và các bộ, ngành sẽ phải có chỉ đạo phù hợp trong bối cảnh mới, trong đó ưu tiên trước mắt là chúng ta phải thực hiện nghiêm túc quy hoạch tổng thể ĐBSCL.

Thực tế hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến trầm trọng, cộng với những vấn đề ô nhiễm, hay thủy điện… trên thượng nguồn nên tác động càng phức tạp hơn so với trước đây. Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng là phải quy hoạch một cách tích hợp, liên kết các địa phương, tránh các địa phương tự cạnh tranh.  Ví dụ, nếu tất cả cùng nuôi tôm thì sẽ tự cạnh tranh. Còn nếu để nông dân tự phát thì sẽ rất khó.

Bên cạnh đó, trong vấn đề BĐKH thách thức lớn nhất là thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và tiếp tục khó dự báo, khó lường nên cần triển khai hiệu quả các giải pháp phi công trình như tích nước, chuyển đổi thời vụ canh tác, cơ cấu lại cây trồng vật nuôi… 

Một trong những giải pháp quan trọng, theo ông Tín, là cố gắng tăng giá trị sản phẩm. Thay vì làm nhiều nhưng giá trị thấp thì giờ làm ít nhưng tăng chứng nhận hữu cơ… Nhưng để có được điều đó cần có sự liên kết, đồng bộ và hạ tầng. Bởi vì, hạ tầng sẽ làm cho chi phí cao lên và nếu chi phí cao thì khả năng cạnh tranh giảm. Ví dụ, nhà máy chế biến tôm ở Bạc Liêu  và Cần Thơ, trong khi nuôi tôm ở Trà Vinh hay Bến Tre thì giá thành sản phẩm sẽ đội lên.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội về việc vì sao ĐBSCL chưa được đầu tư hạ tầng như mong muốn, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết, ông mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chú ý đầu tư xây dựng giao thông cho vùng ĐBSCL. Trong đó, cần xây dựng những cây cầu đạt tiêu chuẩn cao, đảm bảo cho tàu có tải trọng lớn có thể lưu thông. Một giải pháp quan trọng nữa, là kêu gọi xã hội hóa đầu tư giao thông nông thôn, giúp giải phóng sức sản xuất, hàng nông sản cho bà con. Hiện nay, nhiều nơi vẫn là đường đất, hoặc đường bê tông nhưng nhỏ, chỉ vừa một chiếc xe máy. Và cuối cùng, là làm sao phải quy hoạch lại mạng lưới giao thông thủy nội địa, phải xây dựng lại hệ thống cảng, bến đỗ, kết nối với các vùng miền khác, thậm chí với thế giới. Nếu được như vậy thì ĐBSCL sẽ vươn dậy mạnh mẽ, sẽ không còn câu chuyện được mùa nhưng mất giá....

Theo TT&CS
back to top