Chủ biên sách Mỹ thuật cấp tiểu học: Giáo viên sẽ không cần phải soạn giáo án nữa

(khoahocdoisong.vn) - TS Trần Thị Biển, chủ biên bộ sách Mỹ thuật cấp tiểu học - Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho biết, điều đặc biệt ở cuốn sách này là giáo viên sẽ không cần phải soạn bài nữa. Vì nội dung có nhiều hướng mở.

Không còn hàn lâm như sách hiện hành

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, năm học 2020 - 2021 sẽ triển khai sách giáo khoa các môn học ở lớp 1 theo Chương trình mới. Tinh thần của Chương trình này là đổi mới căn bản và toàn diện. Vậy điều này thể hiện thế nào trong sách Mỹ thuật lớp 1 - Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”?

Đổi mới căn bản và toàn diện ở đây đặt ra việc không thể sử dụng phương pháp cũ cho nội dung mới hay phương pháp mới cho nội dung cũ, mà phải là một nội dung mới cần có một phương pháp tương ứng.

Trong cuốn Mỹ thuật lớp 1, cũng như các lớp khác trong cấp tiểu học, tư tưởng, tinh thần đổi mới được thể hiện rõ. Đầu tiên là xác định đúng đối tượng của môn học, đó là cảm xúc của học sinh trước thiên nhiên, con người và được các em sử dụng yếu tố, nguyên lí tạo hình để tái hiện lại bằng các hình thức thể hiện khác nhau.

Những kỹ năng như: Vẽ; xé, dán, cắt, nặn,… là mục đích ở chủ đề này sẽ chuyển thành phương tiện ở chủ đề sau để giúp học sinh thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình.

Tiếp đến, chúng tôi có căn cứ trong việc chọn đối tượng đưa vào sách theo những cơ sở chặt chẽ theo các nguyên tắc cụ thể, đáp ứng được yếu tố chuyên ngành, sư phạm cũng như phù hợp với quá trình nhận thức của học sinh.

Điều này khác với việc lựa chọn đối tượng đưa vào sách bằng kinh nghiệm, mà điều này vô cùng tai hại bởi bộ sách của chúng ta là mới, cần tư duy khoa học để xử lý. Tư duy kinh nghiệm chỉ điều chỉnh được những việc đã có chứ không có ích nhiều đối với việc sẽ có, nhất là theo những cách tiếp cận theo nguyên lí mới.

TS Trần Thị Biển trong một giờ dạy thực tế.

TS Trần Thị Biển trong một giờ dạy thực tế. 

Vậy cụ thể cái mới ở bộ sách này so với sách hiện hành là gì, thưa bà?

Nội dung của cuốn sách này thứ nhất nằm trong khung chương trình giáo dục phổ thông mới môn Mỹ thuật Bộ GD&ĐT phát hành năm 2018, một trong những tiêu chí để xây dựng cuốn sách lấy người học làm trung tâm

Vì vậy, cái mới ở đây so với sách hiện hành về nội dung sẽ là phát triển năng lực trên nền tảng kiến thức kỹ năng mỹ thuật ở cấp tiểu học thông qua các quy trình là quan sát, thể hiện, thảo luận, vận dụng. Các bước này logic,  liên quan đến nhau cho nên giúp học sinh phát triển năng lực và khả năng giao tiếp mà sách hiện hành không có.

Cụ thể, đó là việc học trao đổi, học nhóm thể hiện qua các sản phẩm của nhóm mà sách hiện hành vẫn còn hàn lâm. Ví dụ bài vẽ cứ đưa ra một cái mẫu sau đó bác học sinh chép theo mẫu, chẳng hạn chân dung chú bộ đội. Như vậy, nó không phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh.

Sách mới khắc phục được những điều này. Những bài giảng vẫn đảm bảo được tính hàn lâm cơ bản tuy nhiên vẫn mở ra những đề mở cho học sinh.

Học sinh có thể làm bài tập một mình và cũng có thể là làm theo nhóm, vì một vấn đề gợi mở ra rất nhiều tư duy sáng tạo của học sinh. Các bạn có thể làm theo cảm xúc của mình hay trí tưởng tượng về thế giới xung quanh. Sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật và nhiều chất liệu khác nhau. Có thể là vẽ, tô, đắp nặn…

Và điều đặc biệt ở cuốn sách này đó là bấy lâu nay kể cả những người học chuyên nghiệp về mỹ thuật cũng không nhận định được màu gốc có bao nhiêu màu.

Thì trong bộ sách này sẽ cung cấp cho các bạn khái niệm cực kỳ quan trọng đó. Đó là từ ba màu gốc sẽ pha với nhau khác nhau như thế nào để sáng tạo thành các tác phẩm nghệ thuật. Và bố mẹ cũng có thể học cùng các con.

Và điều đặc biệt, cũng vì nội dung có nhiều hướng mở, nên giáo viên sẽ không cần phải soạn giáo án nữa. Và học sinh khi học  sẽ tạo ra nhiều kết quả đa dạng hơn.

Học mỹ thuật để có tư duy thẩm mỹ

Nhiều người đã quá quen việc học mỹ thuật là học vẽ hình, tô màu hay tập nặn tạo dáng sản phẩm, bà có thể nói rõ hơn về việc lựa chọn đối tượng của môn học Mỹ thuật cũng như ý nghĩa của môn học này?

Khi bạn và tôi đứng trước một điều gì đó thì chúng ta có cảm xúc về nó, cảm xúc thế nào thì tùy từng người và kinh nghiệm của người đó.

Ở góc độ của mỹ thuật, chúng ra thể hiện cảm xúc của mình qua các yếu tố tạo hình và sắp xếp chúng theo một trật tự nào đó (nguyên lý tạo hình). Như vậy, những hình vẽ, màu sắc, khối,… được xem là “vật thay thế” giúp chúng ta thể hiện lại tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của mình về đối tượng thẩm mỹ mà thôi.

Hay nói cách khác, việc lựa chọn đúng đối tượng của môn học giúp chúng ta tiệm cận đúng với mục tiêu của Chương trình giáo dục hơn, đó là phát triển ở học sinh năng lực mĩ thuật, biểu hiện của năng lực thẩm mỹ trong lĩnh vực mĩ thuật.

Có thể ví dụ như trong môn Toán, nếu chúng ta dạy về phép toán thì giúp học sinh hình thành về tư duy toán học, còn nếu chúng ta dạy phép tính thì chỉ giải quyết được khâu kỹ thuật mà thôi.

Cụ thể phương pháp dạy học mỹ thuật sẽ thay đổi thế nào, thưa bà?

Phương pháp dạy học mỹ thuật trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu đa dạng trong cách giải quyết vấn đề mà bài học nêu ra. Nội dung phương pháp này có hai vấn đề trọng tâm: Một là, giáo viên bằng các kỹ năng dạy học nêu vấn đề và giúp học sinh phát hiện vấn đề qua những tình huống trong học tập và trong cuộc sống. Hai là, với những vấn đề phát hiện được thì tổ chức cho học sinh lựa chọn cách để giải quyết và qua đó phản ánh nhận thức, kỹ năng của mỗi học sinh.

Như vậy, phương pháp dạy học trước đây vẫn sử dụng trong việc triển khai hoạt động dạy học theo môn Mỹ thuật - Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” nhưng áp dụng một cách linh hoạt. Về vấn đề này, nhóm tác giả đã có phương án tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật đối với đội ngũ giáo viên mỹ thuật để việc triển khai đạt hiệu quả cao nhất.

Trân trọng cảm ơn bà!

Học mỹ thuật là giúp cho học sinh có thể bước đầu hiểu được về các vẻ đẹp của sản phẩm, cũng như là vẻ đẹp ở trong cái đời sống xã hội, tự nhiên. Từ đó làm giàu cho tâm hồn cũng như cảm xúc thẩm mỹ.

Theo Đời sống
back to top