Chống tham nhũng phải như đánh rắn

(khoahocdoisong.vn) - Khi đã khui ra ánh sáng, bất cứ cá nhân, tổ chức nào có sai phạm cũng phải bị xử lý. Thế nên, ai nằm trong đường dây cũng khó thoát.

Ông Hoàng Thọ Kiểm, nguyên cán bộ Vụ Cán bộ Giáo dục, Bộ Nội thương (Bộ Công thương) cho rằng việc ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch BIDV bị bắt thể hiện động thái chống tham nhũng là một chủ trương xuyên suốt, không có vùng cấm. Khi đã khui ra ánh sáng, bất cứ cá nhân, tổ chức nào có sai phạm cũng phải bị xử lý. Thế nên, ai nằm trong đường dây cũng khó thoát.

Đánh rắn phải dập đầu

Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét với ông Trần Bắc Hà (61 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh). Bốn người bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Bà Vân Anh được tại ngoại, ông Hà và hai người còn lại bị tạm giam.

Gần đây nhiều vụ việc tham nhũng được xử lý công khai dư luận rất ủng hộ. Tham nhũng thường không phải do một cá nhân thực hiện mà là cả một hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, có mối quan hệ nhằng nhịt với nhau về quyền lợi mà người ta gọi là lợi ích nhóm. Việc chống tham nhũng do đó cũng không nhằm vào cá nhân nào, mà bất cứ ai có sai phạm, có tham gia vào những đường dây mờ ám này đều phải bị xử lý, dù đó là người giữ chức vị nào, có quan hệ như thế nào với cán bộ cấp cao. Quan điểm của tôi, đánh rắn phải đánh dập đầu. Đã tham nhũng, sai phạm thì phải bị xử lý, dù đó là bất cứ người nào, có sức ảnh hưởng ra sao.

Chống tham nhũng là khi đã tìm ra sai phạm thì ai cũng sẽ phải bị xử lý nếu có liên quan?

Đúng thế, phải đánh sập cả “hệ thống tham nhũng” sai phạm đó. Gần đây chúng ta cũng thấy từ một vụ án lại được phát triển ra nhiều vụ án khác nhau do những người có liên quan rất nhiều. Việc xử lý tất cả những người này là cần thiết, cũng giống như vụ việc bắt ông Trần Bắc Hà với những sai phạm liên quan đến những đại án của ngành ngân hàng. Đã chống tham nhũng thì dù việc lớn hay việc nhỏ cũng phải làm đến cùng, dù người có chức vụ cao hay thấp, trốn gần hay xa đều phải tìm ra.

Nếu làm triệt để, thì những người đã “nhúng chàm” khó mà thoát?

Khi đã sai phạm thì đừng nghĩ sẽ thoát được. Hôm nay có thể chưa bị “sờ gáy” nhưng ngày mai, ngày kia, thậm chí nhiều tháng, nhiều năm sau vẫn bị tìm ra và vẫn phải chịu trách nhiệm. Tham nhũng hiện nay là quốc nạn, nên phải “đánh” từ trong “đánh”, từ trên xuống, xử lý kiểu “tiệt nọc” để những người khác không có tâm lý “thu hồi vốn”, làm giàu bằng tiền thuế của dân.

Ông thấy những vụ việc tham nhũng thời gian qua đã xử lý đã triệt để chưa?

Tôi thấy việc xử lý đã rất quyết liệt rồi, nhưng cũng có những vụ việc chưa làm đến cùng như vụ biệt phủ ở Yên Bái. Dư luận vẫn rất còn hoài nghi về cách xử lý mà theo nhiều người là chưa thỏa đáng. Còn những vụ án như Vũ Nhôm hay đánh bạc nghìn tỉ thì đang từng bước đưa ra ánh sáng những người có liên quan, xử không có vùng cấm, tôi cho như thế là thỏa đáng.

Động cơ đúng sẽ không vấp ngã

Theo ông thì những người mắc sai phạm, tham ô tham nhũng, có điểm khác nào so với những người còn lại?

Đó có thể chỉ là những phút sơ sẩy của họ để gây nên những hậu quả mà họ không lường được. Tuy nhiên cán bộ phải xác định không được phép để xảy ra sai sót đó. Trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, việc xác định động cơ của họ sẽ quyết định việc họ có sai lầm hay không. Vào Đảng để làm gì, giữ chức vụ đó để làm gì? Nếu không phải là để cống hiến, để thể hiện mình, đóng góp sức mình cho sự phát triển mà để tư lợi, để vơ vét cho cá nhân, vun vén cho gia đình, người thân của mình… thì họ dễ rơi vào sai lầm, va vấp.

Mới đây trong buổi tiếp xúc cử tri một số phường ở Hà Nội, nói đến phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải tiếp tục làm, khâu nào yếu là phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay. Hẳn là ông cũng rất đồng tình?

Đúng thế, khi chúng ta đã chỉ đạo như thế, lòng dân như thế, quyết tâm thì phải làm được. Đi vào vụ việc cụ thể còn nhiều lắm, cùng một lúc rất nhiều việc phải làm. Nên chúng ta phải bình tĩnh, làm từng việc. Làm chắc bước này mới làm bước sau. Chẳng hạn như các vụ án đưa ra xét xử thì việc luận tội thế nào, xét xử ra sao cho tâm phục khẩu phục, chứng cứ phải không chối cãi được.

Việc xử lý những người có vị trí cao, sức ảnh hưởng lớn, theo ông tác động thế nào đến bộ máy?

Tôi cho rằng bộ máy không có họ sẽ hoạt động trơn tru hơn chứ không ảnh hưởng gì. Những cán bộ dù có tài năng thật sự, nhưng khi đã nhúng chàm, sai lầm thì vẫn phải bị xử lý, không có vùng cấm. Với những trường hợp cán bộ cấp cao bị xử lý, mà lại xử lý theo kiểu “cả đường dây” thì tôi tin rằng tới đây công tác phòng chống tham nhũng sẽ đạt được hiệu quả cao.

Cán bộ hãy nêu gương

Ông đánh giá thế nào về lòng tin của người dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay?

Theo quan sát của tôi thì nhiều người vẫn có cái nhìn không thiện cảm với cán bộ. Thậm chí một số người còn ghét, tỏ ra thiếu thiện cảm với cán bộ. Là bởi nhiều vụ việc được phanh phui, những sai phạm của cán bộ là “một tay che cả bầu trời”, sai phạm quá nghiêm trọng, gây hậu quả lớn. Vừa rồi chúng ta có Nghị quyết về nêu gương. Cán bộ đảng viên trước tiên hãy công khai nêu gương. Chỉ khi đó mới tạo được niềm tin, sự yêu mến của người dân.

Cụ thể là cán bộ phải làm gì?

Phải là người mẫu mực, vì nước vì dân, không tư lợi, không sai phạm, không xà xẻo tiền của dân, không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bất chấp hết. Cán bộ quản lý càng ở cấp cao càng phải nêu gương sáng, có như thế mới xây dựng được hình ảnh đẹp, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Việc này chắc là khó làm, nhưng phải làm?

Đúng là rất khó. Hiện nay người ta không tin tưởng vào sự trong sáng của cán bộ. Có cán bộ khai đi bán chổi đót, nấu rượu… mà xây được biệt thự khủng khiếp như thế, nhưng rồi cũng bị xử lý rất nhẹ, gần như không làm sao cả. Ngay cả đại biểu Quốc hội có trách nhiệm giám sát cũng không nói năng gì. Vụ việc đã qua nhưng giờ thi thoảng người ta vẫn nói đến đấy. Vì không có sự sòng phẳng, công khai nên người ta không tin. Bây giờ, cán bộ trước hết phải làm gương là vì thế.

Nếu chỉ đơn giản là không sai phạm, thì tôi nghĩ chắc hẳn chúng ta cũng có rất nhiều cán bộ tốt, tận tụy?

Hiện có tình trạng một số cán bộ đứng ở hội trường thì nói rất hay, nhưng ra khỏi cơ quan là sa đà vào tiệc tùng ghê gớm, thậm chí cả tệ nạn. Người ta nói cán bộ có hai  mặt, nêu gương là phải làm tốt cả hai mặt đó. Cán bộ có tài, nhưng cũng phải có tâm thì mới được dân mến dân tin.

Như vậy liệu có đòi hỏi cao quá?

Cán bộ khi đã xác định vào Nhà nước làm việc là phải đáp ứng được các yêu cầu cao đó, còn không thì đừng làm.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cuối tháng 6, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật khai trừ Đảng với ông Hà do làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV; gây bức xúc trong xã hội. Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cựu chủ tịch BIDV đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong số này có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng với 12 công ty liên quan vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB)...

Theo Đời sống
back to top