<div> <p>Từ đầu năm đến nay, giá thép các loại tăng liên tục khiến nhiều nhà thầu đứng ngồi không yên vì chi phí tăng, ảnh hưởng rất lớn đến những hợp đồng đã và đang thực hiện.</p> <p class="item-photo"><img alt="Chóng mặt vì giá thép tăng phi mã - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/20/photo-cms-plo-zadn-vn_hinh-thep-van_qhhv.jpg" /><br /> <em class="image_caption"><i>Giá thép tăng mạnh thời gian qua do nhu cầu tiêu thụ thép tăng mạnh.<br /> Ảnh: <span>QH</span></i></em></p> <p><b style="text-align: justify;">Giá thép tăng, không dám ký hợp đồng mới</b></p> <p>Cập nhật đến hôm qua (19-4), thép thương hiệu <span>Hòa Phát</span> tại thị trường miền Nam đang giữ ở mức cao. Đơn cử thép cuộn phi 6-8 mm giá lên tới 16.390 đồng/kg, thép thanh vằn ở mức 16.440 đồng/kg. Tương tự, <span>thép cuộn</span> thương hiệu Pomina giá lên tới 16.900 đồng/kg và thép thanh vằn ở mức 17.000 đồng/kg. Còn với sản phẩm thép cuộn thương hiệu Thép miền Nam giá 16.700 đồng/kg, với thép thanh vằn 16.600 đồng/kg.</p> <p>Theo ông <span>Nguyễn Minh</span>, Giám đốc kinh doanh một công ty vật liệu xây dựng tại TP.HCM, so với hồi đầu tháng 4-2021, hiện mỗi tấn thép cuộn đã tăng hơn 1 triệu đồng và thép cây tăng 1,5-2 triệu đồng. Các mức giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng như chi phí vận chuyển tới công trình. Thậm chí có thời điểm chỉ trong 10 ngày, các công ty thép báo tăng giá bốn lần.</p> <p>“Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng nhiều lần, lần sau tăng mạnh hơn lần trước. Khách hàng phàn nàn nên chúng tôi hỏi phía các nhà máy thép thì được họ giải thích nguyên nhân do giá phôi thép tăng mạnh, cộng thêm chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng nên nhà máy phải tăng giá thép bán ra” - ông Minh nói.</p> <p>Giá thép tăng vọt ảnh hưởng mạnh đến các công ty xây dựng, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Huấn, Tổng giám đốc một công ty xây dựng, cho biết công ty đã ký hợp đồng với phía chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói nên khi giá thép tăng, phía nhà thầu phải chịu hết. Do giá thép tăng phi mã nên hiện công ty chỉ tập trung thi công những công trình đã ký hợp đồng, không dám ký hợp đồng mới.</p> <p>“Vì sự biến động mạnh của giá thép, công ty chỉ còn cách huy động tài chính để mua lượng lớn thép vào nhằm đáp ứng các công trình theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, vì tài chính cũng có hạn và chưa mua được lượng thép lớn nên công ty ngưng đàm phán các hợp đồng mới. Công ty còn nuôi lao động, bộ máy, nếu lợi nhuận giảm thì nguy cơ tạm dừng hoạt động rất cao” - ông Huấn bộc bạch.</p> <p>Một số nhà thầu, công ty xây dựng khác cũng cho hay cứ vài ngày lại thấy các công ty thép thông báo tăng giá. Ước tính từ đầu năm đến nay giá thép tăng khoảng 50%.</p> <p>Không chỉ các doanh nghiệp mà người dân cũng lo lắng khi giá thép tăng cao và liên tục. Anh Tiến Hùng, nhà ở TP Thủ Đức, phân tích: Chi phí sắt thép chiếm tới khoảng 30% công trình xây dựng nên khi giá thép tăng quá cao anh đành dời lại kế hoạch xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng cho thuê của mình. Anh Hùng cũng chia sẻ hiện muốn mua thép cũng khá khó khăn vì các đại lý cho biết hàng về ít, muốn lấy hàng phải báo trước vài ngày hoặc cả tuần.</p> <p><b>Không có chuyện thiếu thép</b></p> <p>Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép Việt, nhận định thời gian qua nhu cầu tiêu thụ sắt thép của các quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam đều tăng mạnh, giá thép tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến thị trường trong nước.</p> <p>Bên cạnh đó, giá thép tăng do nguyên liệu sản xuất tăng. Chẳng hạn giá phôi thép, thép phế và nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất thép tăng cao trên toàn cầu. Giá quặng sắt hiện ở mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.</p> <p>Thép cuộn cán nóng cũng tăng 44% so với cùng kỳ, ở mức 660 USD/tấn. Chưa kể, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh.</p> <p>Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguồn cung thép trong nước vẫn dồi dào, không lo thiếu hàng. Năng lực sản xuất của ngành thép vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, thậm chí cả xuất khẩu thép ra nước ngoài.</p> <p>Ông Đa thông tin thêm hiệp hội đã có kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ trì xây dựng và sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Qua đó để đảm bảo ổn định thị trường thép nội, tránh tình trạng các nhà thương mại đầu cơ găm hàng, trục lợi từ việc tăng giá thép.</p> <div> <table> <tbody> <tr> <td> <p><b>Giá thép có thể tăng hết quý III-2021</b></p> <p>Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (<span>VSA</span>),tính chung ba tháng đầu năm nay, sản xuất thép các loại đạt 7,7 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng đạt 6,8 triệu tấn, tăng 35%, trong đó xuất khẩu thép các loại hơn 1,6 triệu tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.</p> <p>VSA dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý III-2021. Nguyên nhân do giá phôi thép ngày 6-4 vừa qua ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3-2021 và tăng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng đầu tháng 4-2021 đạt mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3-2021.</p> <p>Thị trường thép cuộn cán nóng thế giới biến động mạnh khiến thị trường thép cuộn cán nóng trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng loại thép này làm nguyên liệu sản xuất.<br /> Giá bán có thể sẽ tiếp tục tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.</p> <p><b>Cầu tăng, cung thiếu hụt</b></p> <p>Nhiều chuyên gia cho rằng chính chính sách nhập khẩu phế liệu trở lại từ tháng 1-2021 của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu bởi thị trường này đang chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn thế giới. Đơn cử tháng 3-2021, giá thép phế liệu nội địa tiếp tục tăng nhẹ từ 300 đồng/kg lên mức 8.850-9.100 đồng/kg. Giá thép phế liệu nhập khẩu ở mức 438 USD/tấn.</p> <p>Bên cạnh đó, Trung Quốc đang trong giai đoạn cắt giảm sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép lại tăng cao càng đẩy <span>giá thép</span> tăng phi mã. </p> </td> </tr> </tbody> </table> </div> </div> <p> </p>