<div> <p>Ngày 17/12, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với thành viên Tổ công tác 368, Tổng cục QLTT tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 102 ngõ 259 phố Vọng, Hai Bà Trưng (Hà Nội) do ông Vũ Văn Đô làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở có 4.670 điếu thuốc lá điện tử các loại; 10.125 quả bóng cao su (dùng để đựng khí N2O); 19 bình có khí N2O và 24 vỏ bình không có khí N2O. Toàn bộ số hàng hóa trên, cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.</p> <p>Trước đó, ngày 3/11, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang (khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp) phát hiện cơ sở này sản xuất quần, áo giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci với số lượng lên đến 124.101 chiếc quần, áo thành phẩm…</p> <p><b style="font-size: 14px;">Khó xác định chủ thể vi phạm để xử lý</b></p> <p>Dù liên tục kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Số liệu từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (BCĐ 389) Thành phố Hà Nội cho thấy, trong tháng 11/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 3.273 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách trên 340 tỷ đồng. Trong đó có 271 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 93 vụ kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và 2.908 vụ gian lận thương mại.</p> <p>Thông tin thêm về thủ đoạn mới trong kinh doanh hàng lậu, hàng giả, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT cho biết, các đối tượng sử dụng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook để tiếp cận khách hàng. Việc giao nhận hàng hóa thông qua bên thứ ba là dịch vụ chuyển phát nhanh. Đối tượng cũng liên tục thay đổi nội dung, địa chỉ trên website hoặc tài khoản mạng xã hội, nên rất khó xác định chủ thể vi phạm để xử lý.</p> <p>Lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội cho biết, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2020 và đạt được những kết quả rất tích cực.</p> <p>Cụ thể, từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ đẩy mạnh điều tra, nắm tình hình thị trường; lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn. Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì...</p> <p>Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, lợi dụng sự thiếu quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp và sự thiếu thông tin đầy đủ của người tiêu dùng về phân biệt hàng thật, hàng giả, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài có nhu cầu tiêu thụ cao để cung cấp ra thị trường. Điều này gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.</p> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p>Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12 là các lực lượng chức năng của thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhằm ổn định tình hình thị trường trong dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021; tiếp tục phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường.</p> </blockquote> </div> <p class="article-author cms-author"> </p> </div> <p> </p>