Hạn chế ra khỏi nhà, kể cả khi tập thể dục
Thực hiện cách ly xã hội, đa phần người dân chấp hành, hạn chế ra ngoài, mọi sinh hoạt đều tập trung ở trong nhà. Sau 2 tuần cách ly, một số nơi người dân có biểu hiện lơ là, mất cảnh giác hơn, như đi ra ngoài không đeo khẩu trang, tụ tập nói chuyện, không thực hiện biện pháp giữ khoảng cách… TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Trung ương cho biết, qua quan sát thì thấy ở các chợ dân sinh, người dân chấp hành quy định về khoảng cách rất kém. Đa phần vẫn chen chúc nhau mua hàng. Trong các siêu thị cũng vậy, tình trạng người đứng sát gần nhau mua hàng rất phổ biến. Việc không chấp hành quy định về khoảng cách như vậy là một yếu tố làm cho dịch bệnh lây lan, bùng phát khó kiểm soát. Thậm chí ở nhiều khu dân cư, người dân ngồi tụ tập nói chuyện…
Việt Nam không có nguồn lực kinh phí lớn để xét nghiệm cộng đồng tất cả mọi người dân mà chỉ thực hiện xét nghiệm tại các vùng dịch, vùng có nguy cơ cao… Biện pháp cách ly xã hội được đưa ra nhằm để hạn chế dịch bệnh nếu có sẽ lây lan, nhưng nhiều người vẫn rất lơ là, mất cảnh giác. Điển hình như trường hợp dương tính ở chợ hoa Mê Linh, tiếp xúc với rất nhiều người. Đã đến lúc phải kiểm soát nghiêm ngặt ở những nơi đông người như khu công nghiệp, chợ… Để phòng dịch, không để dịch bùng phát, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân.
“Ở Việt Nam, kết quả xét nghiệm cộng đồng cho thấy nguy cơ bùng phát dịch sẽ rất cao. Trong khi chúng ta không thể áp dụng miễn dịch cộng đồng thì việc thực hiện cách ly xã hội tại các vùng có nguy cơ bùng phát dịch là rất cần thiết. Đặt giả sử dịch bùng phát giống ở Mỹ, Italia, Anh… thì sẽ rất khủng khiếp bởi hệ thống y tế không thể đáp ứng để xử lý. Do đó, người dân không nên “sốt ruột” mà hãy tuân thủ khuyến cáo của Chính phủ chung tay chống dịch”, TS Phạm Thị Khoa cho hay.
Người khỏe cũng không được chủ quan
Một số người cho rằng mình còn trẻ, khỏe mạnh, không có bệnh nền nào, nên việc phòng bệnh là không cần thiết. TS Phạm Thị Khoa cho rằng đây là quan niệm rất sai lầm. Trường hợp phi công người Anh (bệnh nhân 91) mắc Covid-19 trong tình trạng rất nguy kịch là một bằng chứng. Phi công là người được khám sức khỏe thường xuyên, có sức khỏe tốt và chắc chắn không có bệnh nền nào. Thế nhưng vì sao trường hợp này lại mắc Covid-19 nặng như vậy? Đặc điểm của loại virus này rất nguy hiểm ở chỗ nó kích hoạt hệ miễn dịch quá mẫn khiến cơ thể tiết ra chất cytokine. Nếu chất này trong cơ thể quá nhiều, không thải ra được, dẫn đến ngộ độc máu, suy thận, suy gan, suy tim. Nhưng tại sao cytokine của bệnh nhân 91 tiết ra nhiều thì y học vẫn đang nghiên cứu và chưa thể lý giải để tìm bất thường. Những hiểu biết của chúng ta về loại virus corona vẫn còn chưa nhiều, cho nên việc phòng chống dịch phải thực hiện theo chiến lược của Việt Nam đã đặt ra là quản chặt từng ổ dịch.
Theo TS Khoa thì nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng SARS-CoV-2 đến nay có thể có nhiều týp khác nhau. Loại virus ở Mỹ hay ở Châu Âu có thể là một týp khác, chúng thay đổi rất nhanh và phản ứng với từng cá thể khác nhau. Có những týp mà thanh niên rất hay mắc, nhưng cũng có những týp mà người già, người cao tuổi, người có bệnh nền… dễ mắc hơn. Do đó cần đến những nghiên cứu sâu hơn về loại virus này.
Đến nay trên thế giới không có thuốc điều trị triệt để bất cứ loại virus nào mà chỉ có thể phòng bệnh. Có những loại virus mà con người buộc phải chấp nhận sống chung với nó như virus herpes, người có sức đề kháng yếu thì nó sẽ bùng phát và ngược lại, khi có sức khỏe bình thường thì virus “ngủ yên”. Do đó, việc giãn cách xã hội, không lơ là chủ quan, có ý thức phòng bệnh ở mỗi cá nhân là rất cần thiết để phòng Covid-19.
Bảo Khánh