PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, túi nilon phân hủy sinh học đang bán trên thị trường, ngoài các hạt vi nhựa (chiếm khoảng 40 – 50%) còn có thêm thành phần khác như chất phụ gia phân hủy, hay một số thành phần tự nhiên như bột ngô, bột sắn, bột mì…. Dù thành phần nhựa có ít hơn túi nilon thông thường nhưng về bản chất, các loại túi nilon phân hủy sinh học vẫn là túi nilon, được cho thêm chất phụ gia để đẩy nhanh quá trình phân rã.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết, các loại túi nilon tự hủy nhưng không phân hủy sinh học, thì sau khi thải ra môi trường, sẽ bị nát ra, nhưng các mảnh vụn thì vẫn còn đó, phát tán vào môi trường thành các hạt vi nhựa. Chúng đi vào chu trình thức ăn của sinh vật biển. Nguồn ô nhiễm plastic theo dòng nước chảy ra biển làm đại dương phải hứng chịu, làm chết dần hệ sinh vật biển, tàn phá hệ sinh thái biển. Đáng quan ngại nhất là các mảnh nhỏ có kích cỡ nano sẽ làm hỏng chu trình dinh dưỡng của động vật biển. Còn các mảnh nhỏ cỡ nhỏ hơn 1m cũng làm động vật lớn ở biển chết khi nhầm đó là thức ăn.
Ngay cả đối với loại túi nilon tự phân hủy sinh học, cũng không có nghĩa là nó sẽ phân hủy dễ dàng như lá cây. Túi phân hủy phải có điều kiện thích hợp, đảm bảo vệ nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm nhất định, phù hợp với từng loại thì mới phân rã được. Theo thông tin từ các nhà sản xuất, loại túi này có thể phân rã trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm, hoặc lâu hơn nữa, tùy theo điều kiện môi trường. Do đó, việc sử dụng túi nilon vẫn là một gánh nặng với môi trường.
Bảo Khánh