Chọn món ăn giải nhiệt ngày hè

Trong cái nắng chói chang, khiến cơ thể phải đổ nhiều mồ hôi, gây mất muối và nước.

Nóng bức làm cho chúng ta khát nhiều, phải uống nước nhiều, đến bữa lại chán ăn, hậu quả là sức khỏe giảm sút, hiệu quả công việc cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy hãy lựa chọn những món canh, thức uống mát bổ để giải nhiệt cái nóng và tăng cường sức khỏe trong mùa hè.

Việc ăn uống trong mùa hè phải theo nguyên tắc thanh đạm, bình bổ là chính. Như vậy, các loại thực phẩm có tính mát, vị đắng chua, bổ vừa phải sẽ được lựa chọn. Còn theo khoa học dinh dưỡng, phải đảm bảo ăn uống đầy đủ 4 nhóm chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Nhóm vitamin và khoáng chất chủ yếu là các loại rau, củ quả, ăn vào sẽ giúp cơ thể giải nhiệt nhanh chóng, bồi phụ nước và muối cho cơ thể đã bị mất do ra nhiều mồ hôi. Mọi người nên tham khảo những món canh và thức uống mát bổ dưới đây:

Các món canh mát bổ

Hoa thiên lý nấu cua: Vị ngọt của cua kết hợp với vị thanh mát của hoa thiên lý giúp bạn cảm thấy món canh ngọt, mát. Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, tư bổ tâm, thận, đỡ mệt mỏi đau lưng, có tác dụng chống viêm, thúc đẩy chóng lên da non

Nguyên liệu: 300g cua đồng, 200g hoa thiên lý, nước, gia vị gồm muối, bột canh, mì chính. Cách nấu: Cua đồng rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước. Bắc nồi nước cua lên bếp, để lửa vừa. Khi thịt cua chín, nổi váng, thì cho hoa thiên lý vào đun sôi, nêm gia vị vừa là xong. Ăn canh khi còn ấm.

Hoa thiên lý nấu cua.

Hoa thiên lý nấu cua.

Canh hà nấu chua: Hà hơi giống con hàu, nhưng nhỏ hơn, vỏ xù xì hơn, thường sống bám ở thân cây sú vẹt ở vùng nước mặn. Hà nấu canh chua, có vị hơi chan chát, mằn mặn của thịt hà, kết hợp với vị chua của me và cà chua rất ngon miệng.

Nguyên liệu: ruột hà 300g, me 2 quả, cà chua 2 quả, dứa nửa quả, gừng, ớt, hành, răm, thì là, gia vị, dầu ăn. Cách làm: ruột hà thả vào nồi nước, lấy tay bóp nhẹ để vỏ hà còn dính vào ruột hà rơi xuống đáy nồi; vớt ruột hà cho vào cái rá, để ráo nước. Dứa gọt vỏ, cắt bỏ mắt, thái thành từng miếng mỏng. Me luộc chín mềm, bóc vỏ, dầm nát. Cà chua rửa sạch bổ múi như miếng cau. Lá hành, răm, thì là thái nhỏ, củ hành thái nhỏ để riêng; gừng thái chỉ; ớt thái lát. Bắc nồi đổ dầu vào phi thơm củ hành; cho ruột hà vào xào, nêm 1 - 2 thìa nước mắm. Đổ nước vừa phải vào nồi đun sôi, bỏ dứa, cà chua, me (me lọc bỏ hạt). Đun sôi, cho hành răm, thì là, nêm gia vị vừa ăn, bắc ra. Múc canh ra bát tô, ăn lúc canh còn hơi nóng mới ngon.

Canh trùng trục nấu chua: Nguyên liệu: trùng trục cả vỏ 1kg, cà chua 2 quả, me hoặc sấu 2 quả, dấm bỗng hay mẻ, hành lá, rau răm, rau sống (xà lách hay rau diếp 0,5kg). Cách làm: trùng trục rửa sạch, luộc nước, gỡ thịt. Gạn lấy phần nước luộc trong phía trên để nấu canh. Hành, rau răm rửa sạch, thái nhỏ. Bắc nồi, dùng dầu ăn phi thơm hành củ, bỏ ruột trùng trục vào xào săn, tra 1-2 thìa nước mắm cho thơm, tắt bếp, múc trùng trục ra bát. Chưng cà chua với dầu ăn để tạo màu rồi đổ nước luộc trùng trục vào đun sôi. Cho dấm bỗng, me hoặc sấu vào đun sôi tiếp, cho ruột trùng trục vừa xào vào nồi canh, đun sôi, cho hành răm vào, bắc nồi ra. Múc canh ra bát tô. Ăn khi canh còn hơi nóng, kèm theo rau sống rất ngon miệng.

Canh hến nấu bầu: Theo Đông y, thịt hến vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Vỏ hến (nghiễn xác): có vị mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng cố tinh, làm se, long đờm, chống nôn. Món canh này, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, thanh nhiệt, giải khát.

Nguyên liệu: Hến sông 1kg, bầu sao hay bầu trắng 1 quả non, mỡ, mắm, muối, hành, thì là và gia vị vừa đủ. Cách nấu: Hến ngâm trong nước sạch 3  giờ, đãi sạch đất cát, luộc và gỡ thịt hến. Đun nước luộc hến đến sôi, thả bầu đã băm hoặc thái chỉ vào đến khi miếng bầu trong, hết đục (hơi sủi tăm) cho hành và thì là thái khúc vào. Đun sôi mỡ, thả hành thái vào, đến khi có mùi thơm (phi hành) thì cho thịt hến vào, cho mắm muối gia vị vừa đủ, đảo đều đến khi thịt hến săn lại. Hến xào để riêng hoặc cho vào canh trên.

Một số loại nước uống bổ dưỡng

Nước dừa: Là một thứ nước giải khát quý được nhân dân ta dùng rất phổ biến trong dịp hè. Chọn quả dừa non hoặc bánh tẻ là tốt nhất. Nước dừa rất bổ dưỡng, ngon miệng, chữa được chứng mất nước và làm cân bằng chất điện giải.

Nước chanh, nước cam: Cam, chanh là hai loại quả giàu vitamin C và dưỡng chất. Chanh và cam có vị chua, tính mát, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu.

Nước chanh leo.

Nước chanh leo.

Nước chanh leo: Vừa giúp giải nhiệt, làm mát cơ thể lại còn có tác dụng trẻ hóa làn da. Chanh leo dây còn gọi là chanh dây hay mác mác, rất giàu vitamin A và vitamin C; chất xơ, các chất khoáng K, Fe... Chanh leo có tác dụng sinh tân, giải khát, khai vị, lợi tiểu. Giải cảm, giảm béo...

Nước râu ngô: Râu ngô có vị ngọt, tính bình, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can. Râu ngô có thể dùng tươi hoặc phơi khô, kết hợp với mía lau, lá dứa nấu nước uống thay nước lọc hàng ngày, có tác dụng lợi tiểu. Những người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường dùng nước này rất tốt.

Ngoài ra, các loại nước ép trái cây như dưa hấu, quýt, bưởi, đu đủ, cà chua... đều tốt cho sức khỏe trong mùa hè.

Theo suckhoedoisong.vn
back to top