Cốc nhựa không hoàn toàn là độc hại nếu chỉ dùng uống nước nguội. Cốc thủy tinh, gốm sứ không an toàn tuyệt đối nếu được sản xuất bằng những công nghệ không đảm bảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, ĐH Bách khoa Hà Nội, đa phần với các loại cốc hiện nay trên thị trường cùng với thói quen của người sử dụng, việc làm thế nào để hạn chế tác hại của cốc phụ thuộc vào nhận thức của người tiêu dùng nhiều hơn là bản thân từng chiếc cốc. Một loại cốc được nhiều người tin dùng hiện nay là cốc inox, chúng sẽ hoàn toàn vô hại nếu người dùng biết cách sử dụng đúng. Thế nhưng, sẽ là rất độc nếu người ta dùng cốc này để uống cafe, nước cam hay các loại nước có tính chua. Các axit này sẽ phản ứng với kim loại dẫn đến các vitamin bị triệt tiêu, đồng thời người uống sẽ tiếp thu một lượng kim loại vào đường tiêu hóa. Cốc nhựa đảm bảo chất lượng, nếu dùng để uống nước nguội thì an toàn, nhưng uống nước nóng thì dù cốc nhựa có được sản xuất nghiêm ngặt thế nào cũng sẽ gây hại cho cơ thể.
Và cũng không phải cốc thủy tinh hay gốm sứ nào cũng an toàn. Đồ thủy tinh được tráng chì tạo hoa văn đẹp cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe. Hay đồ gốm sứ tráng men thủ công ở nhiệt độ quá thấp cũng sẽ dễ làm người sử dụng bị nhiễm chì. Để an toàn cho sức khỏe thì chính người tiêu dùng phải biết cách sử dụng đúng vật liệu cho từng loại thực phẩm phù hợp. Nguy cơ ung thư đến từ những vật dụng rất đơn giản như chiếc cốc uống nước nhưng nếu biết cách sử dụng thông minh thì không cần phải lo lắng về những điều này.
Không nên cực đoan hóa, chỉ sử dụng duy nhất một loại vật liệu nào đó mà dựa vào đặc tính của từng loại vật liệu để sử dụng đúng cách, không tạo ra các chất độc hại cho cơ thể. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng đồ uống nóng vào các loại cốc nhựa, cốc giấy, bởi độc hại không nhìn thấy bằng mắt nhưng lại vô cùng lớn.