Hỏi: Tôi muốn trồng vườn lan tại nhà phố, xin hỏi nên chọn loại chất trồng thế nào?
Nguyễn Đình Khuê (Hà Nội)
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam): Chất trồng có vai trò quyết định. Mỗi loại lan, mỗi vùng khí hậu (nóng hay lạnh) có yêu cầu khác nhau. Đối với lan Cattleya, cấu tạo giá thể thay đổi theo vùng và theo mùa. Với cách trồng trên thân cây sống và thân cây chết, giá thể chính là lớp vỏ của thân cây. Nếu trồng chậu thì giá thể phải thật thoáng để cây không bị chết vì thối rễ, nhất là vào mùa mưa. Nhưng cũng nên có một bề mặt hơi khít kín. Một số nhà vườn chỉ cần dùng chậu làm bằng gỗ thông thoáng và buộc cây vào giữa chậu. Một số khác thì vẫn trồng với giá thể là dớn cọng.
Dòng lan Dendrobium chậu trồng phải thật thoáng, không úng nước. Tuy nhiên, có thể dùng giá thể hơi ẩm hơn Cattleya một chút mà không làm thối căn hành, như xơ dừa, than hay vỏ dừa chặt khúc (với xơ dừa phải hạn chế số lần tưới nước). Với lan Hồ Điệp, chậu phải thật thoáng, càng thoáng càng tốt, thậm chí có khi chỉ dùng chậu (cho nơi có ẩm độ ổn định, gió không đổi và nhất là tiểu khí hậu thật điều hòa). Chậu phải thật sạch (không có dấu vết rêu). Dùng than, vỏ dừa chặt khúc, dớn mềm và có thể thêm chất xốp nhân tạo bên dưới.
Còn lan Vanda là loài lan không có mùa nghỉ, nên biến cố khô hạn rất dễ làm rụng hết phần lá gần gốc. Tuy nhiên, ẩm độ cục bộ trong chậu quá cao lại dễ làm cho các rễ bị thối. Vì thế, giá thể phải thật thoáng và nhà vườn phải tưới hàng ngày. Lan Vanda được trồng treo trong giỏ hay hộp ghép bằng thanh gỗ để rễ dễ bám giữ mà không cần giá thể bên trong. Lan Mokara thường được trồng thành liếp dưới đất với chất trồng là vỏ đậu phộng khô với độ dày ban đầu 10 - 15cm, sau đó có thể bổ sung thêm. Có thể dùng vỏ thông và mùn cưa hoặc trộn với dớn, than vụn, gạch vụn...