Chơi tìm kho báu, ai ngờ đụng trúng “báu vật Trời cho” 500 triệu năm
Thiên Trang (TH)
Một chuyến leo núi của anh Dương và con trai 5 tuổi ở Trung Quốc, đã trở thành cuộc phiêu lưu đầy kỳ diệu khi họ phát hiện một hóa thạch có niên đại 500 triệu năm.
Anh Dương và con trai ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tham gia trò chơi đào kho báu và bất ngờ phát hiện những viên đá với hoa văn tinh xảo bên trong.
Anh Dương nhờ vào kinh nghiệm leo núi và sự quan sát tốt, nhận ra có thể đây là hóa thạch và quyết định chơi trò đào kho báu. Con trai của anh, chỉ sau một thời gian ngắn, hét lớn khi tìm thấy kho báu này. Sau đó, họ chụp ảnh và đăng tải trên mạng xã hội để nhờ ý kiến của mọi người.
Giáo sư Quách Dĩnh, thuộc Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Đại học Lâm Nghi, nhanh chóng xác định rằng đó là một hóa thạch cổ sinh vật học, thuộc địa tầng Cambri hoặc địa tầng Ordovician, có niên đại hơn 500 triệu năm.
Hóa thạch này thuộc loại bọ ba thùy, một loại động vật chân đốt, một trong những nhóm động vật chân khớp cổ nhất hiện đã tuyệt chủng.
Là một trong những sinh vật đặc trưng quan trọng của Đại Cổ Sinh, hiện diện khắp các đại dương trong hơn 270 triệu năm, cơ thể bọ ba thuỳ có nhiều đốt và khớp linh động, hai rãnh sâu chia cơ thể ra thành 3 thùy: thùy dọc, thùy giữa và 2 thùy bên.
Sự phát hiện này làm anh Dương vô cùng vui mừng và cộng đồng mạng chúc mừng, cho rằng con trai anh có thể phát triển đam mê khảo cổ học từ sự kiện này.
Cổ sinh vật học, là một ngành khoa học nghiên cứu lịch sử phát triển của sự sống trên Trái Đất, sử dụng các hoá thạch để tìm hiểu về các loài động vật và thực vật cổ xưa.
Việc phát hiện những hóa thạch cổ sinh vật học như thế này không chỉ cung cấp thông tin quan trọng về lịch sử của hành tinh mà còn đóng góp vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như địa chất học, thực vật học, sinh vật học, động vật học và sinh thái học.