Công an TP Dĩ An (Bình Dương) đang làm rõ vụ chó pitbull cắn chết cụ bà 82 tuổi tại phường Bình Thắng vào tối ngày 17/5. Nạn nhân là mẹ ruột và sinh sống cùng bà bà T.T.T.T. (44 tuổi) và con rể cũng là chủ chó Pitbull.
Trước đó đã xảy ra rất nhiều vụ chó pitbull cắn chết người tại một số địa phương trên cả nước. Dư luận đặt câu hỏi: Chủ nuôi chó dữ để xảy ra sự việc chó cắn chết người sẽ bị xử lý như thế nào?
Có thể bị xử lý hình sự?
TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, đây là sự việc đau lòng mà chủ nuôi chó không muốn nhưng đã xảy ra.
Pháp luật cho phép người dân được nuôi chó. Nhiều người nuôi chó làm “thú cưng” hay mục đích chăn nuôi khác nhưng việc nuôi nhốt đều phải tuân thủ các quy định của Luật chăn nuôi và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trường hợp chủ vật nuôi chó không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý vật nuôi, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể.
Chó pitbull cắn chết cụ bà 82 tuổi. |
Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Hành vi thả rông chó nơi công cộng (không xích nhốt, không có người dắt) dẫn đến chó cắn chết người thì chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo điều 295 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù có thể tới 12 năm tù.
Trường hợp chó cắn chết người do chủ vật nuôi không đảm bảo quy tắc an toàn theo quy định pháp luật, nhưng sự việc xảy ra không phải nơi công cộng, chủ vật nuôi này có thể vẫn bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt tới 10 năm tù hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể tới 12 năm tù.
Trường hợp vi phạm quy định về quản lý vật nuôi gây ra thương tích nghiêm trọng cho người khác từ 31 % trở lên thì người chú vẫn nuôi cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích.
Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thương.
Do đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định việc nuôi chó có tuân thủ quy định pháp luật để làm bảo an toàn cho những người xung quanh hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc này, mối quan hệ giữa chủ vật nuôi và nạn nhân là quan hệ mẹ con, sự việc xảy ra trong khuôn viên gia đình nên nếu chủ vật nuôi có một phần lỗì, cơ quan chức năng cũng sẽ cân nhắc xem xét có xử lý hình sự hay không để đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo, có tình có lý trong giải quyết vụ việc.
Nên quy định chặt chẽ việc nuôi chó dữ
Luật sư Cường dẫn Điều 66, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định về chủ vật nuôi chó mèo phải tuân thủ các quy định như sau: Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu tiêm phòng bệnh dại theo quy định của pháp luật về thú y; Phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bộ Luật Dân sự quy định, vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, người nuôi vật nuôi phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, nếu không tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn mà gây ra thiệt hại cho những người xung quanh thì chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí trong những trường hợp chủ vật nuôi hoàn toàn không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự khi vật nuôi gây thiệt hại cho người khác.
Theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 09/2021), chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định; Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Thông tư này cũng quy định, UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để tổ chức đợt tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo trên địa bàn.
Để tránh những vụ việc như trên, cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát các trường hợp nuôi nhốt chó ở địa phương này cũng như trên địa bàn cả nước, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong việc nuôi nhốt chó mèo.
Đối với các loại chó dữ thì cần phải có quy định hạn chế nuôi hoặc tăng cường các quy tắc đã bảo an toàn đối với các loại vật nuôi này để đảm bảo an toàn cho chủ vật nuôi cũng như những người xung quanh. Những trường hợp chủ vật nuôi không tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho những người xung quanh thì cần phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh để phòng tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, tước đi mạng sống của những người khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Quảng Nam: Chó Pitbull cắn người, bà cụ 80 tuổi nhập viện
Nguồn: VTC 14