Chợ phiên miền Trung chốn Sài thành

(khoahocdoisong.vn) - Chợ Bà Hoa không chỉ là ngôi chợ mang đậm nét đặc trưng của cộng đồng người Quảng Nam ở TPHCM, mà còn được coi là không gian bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Vào những ngày cuối năm, không gian nơi đây như vẽ lại bức tranh phiên chợ tết miền Trung dân dã, gần gũi giữa lòng phố thị phồn hoa.

Sức hút kỳ lạ

Chợ Bà Hoa nằm trên đường Trần Mai Ninh (nay là chợ phường 11) quận Tân Bình, TPHCM, là một ngôi chợ nhỏ, không sang, không hiện đại, hàng hóa chủ yếu là các món quê bình dân, mộc mạc nhưng lại có sức hút kỳ lạ, không chỉ làm ấm lòng những người xứ Quảng Nam tha hương mà còn níu chân những người khách bởi họ tìm thấy nơi đây thật nhiều điều thú vị.

Cụ Nguyễn Thị Nhiên (82 tuổi, người Quảng di cư, hiện đang sống tại khu vực chợ Bà Hoa) cho biết, vào những năm 60 của thế kỷ trước, cư dân từ các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam hội tụ về vùng Bảy Hiền (nay thuộc quận Tân Bình, TPHCM) sinh sống, mang theo nghề dệt truyền thống nổi tiếng ở quê nhà. Nhận thấy đây là vùng đất thuận lợi để an cư lập nghiệp, nhiều gia đình cùng nhau hội tụ về nơi này, từ đó hình thành một cộng đồng người Quảng lớn nhất Sài Gòn.

Một góc chợ Bà Hoa với nhiều món đặc sản xứ Quảng được bày bán.

Một góc chợ Bà Hoa với nhiều món đặc sản xứ Quảng được bày bán.

Theo lẽ tự nhiên, người Quảng cần một không gian để gặp gỡ, giao tiếp, trao đổi mua bán hàng hóa trong cộng đồng, rộng hơn là giao lưu, hòa nhập và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Vào khoảng năm 1967, bà Hoa - một người gốc Bắc di cư vào Nam, đã mua đất, phân lô cho dân thuê để buôn bán. Ngôi chợ vì vậy được đặt theo tên của bà. Ban đầu nơi đây chỉ bán vật dụng may mặc, kim, chỉ... Về sau, do dân xứ Quảng về lập nghiệp, sinh sống ngày một đông nên chợ bắt đầu bày bán những thực phẩm đặc trưng miền Trung. Ở chợ Bà Hoa, người xa quê có thể tìm thấy nhiều món ăn gắn liền với tuổi thơ của mình, xoa dịu đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê mỗi lần Tết đến.

Bà Trần Thị Mười (quê ở Quảng Nam, hiện đang sống tại quận Tân Bình) cho biết, hơn 30 năm sống trên đất khách vẫn không thể nào quên được món quê mình.  Không chỉ có mì Quảng, mặt hàng bán nhiều nhất ở chợ Bà Hoa còn có bánh tráng, bánh đập, mắm cá, mắm xổi, cao lầu...

Khu phố người Quảng Nam di cư đến lập nghiệp tại khu vực chợ Bà Hoa (nay là đường Nguyễn Bá Tòng, phường 11, quận Tân Bình, TPHCM).

Khu phố người Quảng Nam di cư đến lập nghiệp tại khu vực chợ  Bà Hoa (nay là đường Nguyễn Bá Tòng, phường 11, quận Tân Bình, TPHCM).

Ông Hữu Chiến, một “mối ruột” của chợ tấm tắc: “Vô lòng chợ là nghe mùi mắm nức mũi, mắm xổi, mắm cáy, mắm nêm.... Tết ăn thịt hoài ngán mà hấp con cá nục xong quấn bánh tráng cuốn rau chấm mắm thì còn gì bằng”. 

Vị thơm của quê hương

Không rộng như chợ Bà Chiểu, nhưng với những người dân miền Trung “nhớ quê”, không gian ấy đủ để mua sắm những món quê đã hằn sâu trên đầu lưỡi. Vào những ngày cuối năm, chợ thêm rộn ràng, tất bật. Bước chân vào khu chợ, cảm giác đầu tiên của tôi như lạc vào vùng đất xứ Quảng, trước mắt hiện ra cả thiên đường các loại bánh quen thuộc như: bánh tráng, bánh in, bánh tổ, bánh thuẫn, bánh rò… những món bánh không thể thiếu trong dịp Tết hay giỗ chạp, tạo nên nét riêng, vị riêng.

Bánh Rò, loại bánh đặc sản của người Quảng Nam không thể thiếu trong những ngày Tết.

Bánh Rò, loại bánh đặc sản của người Quảng Nam không thể thiếu trong những ngày Tết.

Một trong những đặc sản nổi tiếng của những tỉnh duyên hải miền Trung là các loại mắm được làm từ cá biển. Tại chợ Bà Hoa, các hàng bán mắm có số lượng vượt trội.

Một trong những đặc sản nổi tiếng của những tỉnh duyên hải miền Trung là các loại mắm được làm từ cá biển. Tại chợ Bà Hoa, các hàng bán mắm có số lượng vượt trội.

Vòng ra sau chợ, nhà Bà Liên bày bán các loại bánh ngày Tết như bánh Rò, xôi ngọt và các loại mắm. Bà đã già, ngồi nhìn con cháu bán hàng. Bà cho biết những món hàng này đều do bà và con cháu chế biến. Chỉ riêng mắm nêm bà phải lấy từ Quảng Nam vào. Hầu hết những người Quảng buôn bán ở chợ bà Hoa đều rất thật. Họ không nói thách và không lừa dối khách vì khách đều là những người đồng hương với mình. 

Bà Nhành bên sạp lá thuốc khô, đặc sản Đại Lộc -Quảng Nam.

Bà Nhành bên sạp lá thuốc khô, đặc sản Đại Lộc -Quảng Nam.

Mì Quảng, Cao Lầu, Bánh Tráng được bày bán tại chợ.

Mì Quảng, Cao Lầu, Bánh Tráng được bày bán tại chợ.

Có lẽ chợ Bà Hoa là chợ duy nhất ở TPHCM là nơi giao lưu, gặp gỡ những người cùng quê hương Quảng Nam. Anh Trí Hải, người Quế Sơn vào TPHCM sinh sống đã lâu, vừa lựa rau sống, vừa trải lòng với chúng tôi: "Ngày Tết có những cọng rau mang mùi thơm của quê hương thì còn gì bằng.Tôi đang cố tìm cho được rau húng lủi, é trắng, rau đằng, quế đỏ...” 

Chợ đang đông, mùi bánh thuẫn tỏa hương ngào ngạt. Bột gạo, trứng, đường quyện vào nhau được cho vào khuôn nóng. Một lát sau, khuôn mở ra, những chiếc bánh thuẫn nở bung lên, vàng um như những đóa hoa mai ngày Tết.

KTS. Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng: “TPHCM đã hình thành và phát triển dựa trên những cái chợ. Nhiều người muốn thành phố phát triển theo hướng này, hướng kia, muốn là Hồng Kông, Singapore, New York, muốn tập trung, lan tỏa hay đa trung tâm... Riêng tôi chỉ muốn phát triển thành phố dựa trên những cái chợ. TPHCM với những con đường mới mở, những dự án mới xây, hãy chú ý đến một không gian nhỏ, không chiếm đất là bao để quy hoạch những khu chợ đàng hoàng.

Hãy dành cho những người lao động, tiểu thương một chỗ dừng chân buôn bán, cho những người buôn thúng bán bưng, những nhà nông đem nông sản lên đổi chác, những nhà vườn có chỗ họp chợ. Dù mai này thành phố có to rộng, cao vút, những chợ nhỏ này vẫn mãi tồn tại với người Việt Nam bởi ngoài mua bán, đó còn là không gian giao tiếp của cộng đồng, nơi giao lưu giữa nông thôn và thành thị, giữa con người với con người”.

Theo Đời sống
back to top