- Đề Thám dã sử – Kỳ 1: “Hang hùm” của Đề Thám
- Nghĩa Trai – Làng biệt dược 1.000 năm tuổi
Và không chỉ là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác, “chợ đẩy” dường như còn là một nét văn hóa riêng biệt của người dân vùng sông nước này.
Lặng lẽ bên đời
“Chợ đẩy” (hay còn gọi là chợ di động) thực chất là những chiếc xe chở đầy hàng hóa như rau, củ, quả, thịt, cá, hoặc quần áo, đồ nhựa, đồ gia dụng bằng inox…, được các chủ hàng đẩy đi bán dọc các con đường. Những chiếc xe ấy thường được làm bằng gỗ, thiết kế đơn giản, có hai bánh và giá đỡ, chứa được khá nhiều đồ.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hạnh, một trong số những người buôn bán bằng xe đẩy, cho biết: “Tôi ở bên Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) nhưng thường đẩy xe sang bên này buôn bán. Hằng ngày hai vợ chồng dậy sớm, xuống dưới Kiến An lấy hàng chất lên xe, rồi đẩy đi bán dọc đường.
Do ở vùng này người dân sống rải rác, chỉ tập trung quanh con đường 954 dọc sông Tiền, trong khi các khu chợ cố định lại ở xa nên họ thích mua hàng ở các “chợ đẩy” hơn. Dù công việc khá vất vả, có khi phải đi bộ đẩy xe hàng chục cây số một ngày, nhưng lời lãi cũng chẳng bao nhiêu, chỉ đủ đắp đổi qua ngày”.
“Chợ đẩy” thực sự là nhu cầu thiết yếu của người dân trong vùng
Bên cạnh những xe đẩy bán rau, củ, quả thông dụng như của chị Hạnh còn có những xe đẩy bán thịt heo, cá hay quần áo, chén bát. Với người dân vùng thượng nguồn sông Tiền, những loại hàng hóa này được cho là “quý hiếm”.
Chị Tân, một chủ xe đẩy thịt heo, kể mỗi ngày chị phải dậy từ 2 giờ sáng, chạy xe máy xuống tận lò mổ heo ở Châu Đốc để lấy thịt về bán. Tuy bán cả ngày cũng chỉ được khoảng 14 – 16 ký lô thịt, chẳng bõ công thức khuya dậy sớm nhưng do đã gắn bó với nghề gần cả chục năm và cũng có nhiều khách quen, nhiều mối hàng nên chị thấy tiếc nếu phải bỏ nghề.
Không giống như những người bán hàng rong thường cất tiếng rao để giới thiệu sản phẩm mình bán, những người chủ “chợ đẩy” bên sông Tiền chỉ cần mẫn đẩy xe đi trong im lặng. Họ lặng lẽ đi bên lề cuộc đời, yên bình giữa dòng người, xe như một khoảng lặng.
Có lẽ, chỉ khi chứng kiến những người phụ nữ, trẻ con túm tụm bên “chợ đẩy”, cười nói và “giao dịch” với nhau mới cảm nhận rõ ràng nét đẹp mộc mạc cũng như sự thân thuộc của “chợ đẩy” với người dân nơi đây.
Bà Tám Hồng ở Vĩnh Hòa (An Phú) cho biết, nhà bà ở cách chợ cố định tới hơn 10 cây số, đi từ nhà ra chợ có khi mất cả tiếng đồng hồ, nên không thể đi chợ hằng ngày. Vì thế, những cái “chợ đẩy” này thực sự tiện dụng và hữu ích, đáp ứng được nhu cầu của mọi người nơi đây. Dù chỉ là một chiếc xe nhỏ bé nhưng có đủ cả thực phẩm dùng hằng ngày.
Chưa kể, người mua cần món hàng gì mà hôm nay “chợ” không có, chỉ cần dặn người bán, hôm sau họ sẽ đáp ứng ngay. Cả những hộ dân sinh sống ở những cụm dân cư phía trong đường lộ cũng thường đợi “chợ đẩy” đi qua để mua bán, trao đổi hàng hóa khi cần.
Nét đẹp nơi thượng nguồn
Thực tế, trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, đã có rất nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại xuất hiện ở Châu Đốc, Long Xuyên hay Tân Châu, nhưng chắc chắn không gì có thể thay thế những cái “chợ đẩy” nhỏ bé, cần mẫn như đến từ quá khứ này được.
Thịt heo, mặt hàng khá được ưa chuộng
Nó như một phần cuộc sống của người dân miền sông nước, đặc trưng của nó là sự thân thiện, gần gũi. Ở đó không chỉ có những lần bán mua, mặc cả, ngã giá, mà còn chứa đựng tình người, nét mộc mạc, đơn sơ của đất và người nơi đây.
Có một điều lạ là dòng sông Tiền đi qua khá nhiều địa phương, từ An Giang cho tới Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, nhưng “chợ đẩy” lại chỉ xuất hiện ở vùng thượng nguồn phía An Giang mà thôi. Và ngay cả phía bờ Bắc đối diện tỉnh lộ 954, bên địa phận Đồng Tháp cũng không thấy xuất hiện “chợ đẩy”.
Với nhiều người dân trong vùng, “chợ đẩy” đã rất thân quen, dường như cuộc sống của họ không thể thiếu nó. Nhưng với những ai lần đầu đặt chân tới dải đất nằm phía thượng nguồn sông Tiền này, đó là điều khá lạ lùng. “Chợ đẩy” thực ra cũng không có gì đặc biệt nhưng lại làm người ta nhớ mãi.
Như ai đó từng nói, nếu muốn biết văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư ở một vùng đất, hãy đến khu chợ của vùng đất đó tìm hiểu. Và quả là muốn hiểu đầy đủ tính cách, văn hóa cũng như thói quen hay nếp sống của cư dân vùng thượng nguồn sông Tiền ở An Giang thì không thể bỏ qua những chiếc “chợ đẩy”.
Những mặt hàng mộc mạc, thân quen trên những chiếc “chợ đẩy” sẽ là những nét phác họa vùng đất chúng hiện diện. Chẳng hạn như mùa khô thì “chợ đẩy” bán bầu, bí, dưa hấu, dưa hoàng kim, hay cải ngồng, cải bẹ; còn mùa mưa, là mùa nước nổi tràn về thì không thể thiếu bông điên điển, bông súng, bông sen…
Những đồng tiền khó nhọc sau một ngày buôn bán
Rồi những “chợ đẩy” bán vải vóc, thẻ cào điện thoại, nước giải khát… cũng là một phần hơi thở của cuộc sống, của sự đổi thay tất yếu bên cạnh những điều đẹp đẽ được gìn giữ từ lâu.
Và điều kỳ lạ nữa là chính người dân ở vùng này cũng không biết “chợ đẩy” có từ khi nào, chỉ biết lúc đầu rải rác vài cái đẩy loanh quanh, rồi khi nhu cầu mua bán tăng lên, “chợ đẩy” xuất hiện nhiều hơn, đa dạng về mặt hàng và giá cả.
Đến nay, “chợ đẩy” xuất hiện nhiều đến nỗi những khu chợ cố định ngày càng vắng khách và người ta mặc nhiên coi “chợ đẩy” là “đặc sản” của vùng đất này.
Đoàn Đại Trí (Theo DNSG)