Chỉnh trị để “cứu” sông Hồng

(khoahocdoisong.vn) - Nghiên cứu chỉnh trị sông Hồng đoạn qua Hà Nội để ổn định lòng sông thoát lũ, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai... để hạn chế suy thoái của dòng sông là việc cần làm ngay.

Sông Hồng đang biến đổi chóng mặt

Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội có chiều dài khoảng 40km, từ Thượng Cát (Từ Liêm) đến hết địa bàn Vạn Phúc (Thanh Trì). Nghiên cứu trong 10 năm gần đây cho thấy, dấu hiệu dòng sông chuyển dòng sang thế bất lợi đang lộ rõ.

GS.TS Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, việc xây dựng các hồ chứa thượng nguồn cũng như hoạt động khai thác, xây dựng trên vùng bãi sông, lòng sông ở hạ du đã gây ra các biến động về lòng dẫn và chế độ thủy văn của hệ thống sông Hồng. Việc khai thác cát quá mức cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm cho tình trạng xói lở bờ sông, tình trạng hạn thấp mực nước trên hệ thống sông Hồng mùa kiệt, tỷ lệ phân lưu nước từ sông Hồng vào sông Đuống có sự chuyển dịch nhiều so với giai đoạn trước đây, biến động các bãi vùng ven sông đã và đang ngày càng phức tạp…

Đoạn sông Hồng qua trung tâm TP Hà Nội từ Thượng Cát đến Vạn Phúc tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ, lụt và đe dọa an toàn dân sinh; hạn kiệt trầm trọng ảnh hưởng đến yêu cầu lấy nước tưới; môi trường trên dòng chính, bãi sông và các sông, kênh thành phố ngày càng suy giảm, bờ sông xói lở, công trình bảo vệ bờ mất ổn định; khai thác cát… GS.TS Lương Phương Hậu, Viện Khoa học Thủy lợi cho hay, sự thay đổi dòng chảy là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp. Khu vực xã Hải Bối (huyện Đông Anh), phường Ngọc Thụy - Bồ Đề (quận Long Biên) là hai nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng sạt lở bờ sông.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển cho biết, đã xác định được biến động lòng dẫn và đặc trưng thủy văn, thủy lực trên sông Hồng đoạn qua trung tâm Hà Nội từ năm 2000 đến nay. Cao độ thấp nhất lòng sông đã hạ thấp trung bình 4,48m; cao độ trung bình lòng sông  hạ thấp trung bình 2,27m. Đoạn sông có xu thế xói, tổng lượng xói hơn 34 triệu m3. Đến nay lòng sông vẫn duy trì xu thế xói và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài ra, là xu thế hạ thấp liên tục từ 2000 - 2018 ở tất cả các đặc trưng mực nước ảnh hưởng đến hoạt động, xây dựng quản lý các công trình thủy lợi…

Chỉnh trị đoạn sông Hồng qua trung tâm Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, quy hoạch chỉnh trị sông Hồng mùa nước trung (hay quy hoạch chỉnh trị lòng sông chính/lòng dẫn cơ sở); quy hoạch chỉnh trị sông mùa lũ; chỉnh trị sông mùa kiệt; quy hoạch các bậc lòng sông theo tuyến chỉnh trị tổng hợp… cần được thực hiện. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã bố trí hệ thống công trình chỉnh trị sông dựa trên quy hoạch tuyến chỉnh trị sông tổng hợp. Hình thức công trình đề xuất trên đoạn sông Hồng qua TP Hà Nội được nhóm nghiên cứu bố trí theo nguyên tắc công trình tác động chủ yếu vào lòng dẫn còn hình thức công trình tác động vào dòng chảy sẽ hạn chế tối đa hoặc thậm chí không nên áp dụng. Tuy vậy, chỉnh trị sông đáp ứng các yêu cầu tổng hợp (chỉnh trị sông tổng hợp) luôn là bài toán khó không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, xác định trục không gian cảnh quan hai bên bờ sông Hồng là trục trung tâm quan trọng của thành phố. Trong chỉnh trị sông Hồng, thách thức lớn nhất là tính toán sự ổn định thoát lũ và hệ thống đê điều. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xác định quy hoạch thoát lũ sông Hồng, hệ thống đê điều đoạn qua Hà Nội. Trên cơ sở đó, Hà Nội mới có cơ sở phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, tạo định hướng và là công cụ quản lý, cơ sở kêu gọi đầu tư.

GS.TS Lương Phương Hậu cho rằng, ổn định thế sông yêu cầu trước hết phải ổn định lòng dẫn mùa nước có cao trình ngang bãi là điều có tính nguyên tắc. Không thể nạo vét để tạo sâu lòng dẫn mà chỉnh trị đoạn sông Hồng qua Hà Nội phải được xem xét một cách tổng thể, ít ra là từ Sơn Tây đến Hưng Yên và một phần sông Đuống, sông Luộc. Thành phố nên có ngay quy chế quản lý đối với sông Hồng và xúc tiến thành lập một bảo tàng sinh thái như nhiều nước vẫn làm.

Theo Đời sống
back to top