Chính quyền vào cuộc giải cứu sông Cầu?

(khoahocdoisong.vn) - Hàng chục nghìn người dân của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sống trong cảnh khổ sở vì nước sông Cầu - một trong 5 con sông dài nhất miền Bắc đang bị ô nhiễm nặng nề. Điều đáng nói, tình trạng ô nhiễm này đã diễn ra từ lâu và đã từng được đề nghị xử lý.

Bộ, tỉnh cùng lên tiếng

Cuối tháng 3 vừa qua,  khu vực nuôi cá trên sông Cầu, đoạn qua huyện Yên Phong, Bắc Ninh đã có hiện tượng cá chết hàng loạt. Trung bình, mỗi hộ nuôi chết khoảng 2 tấn, hộ nhiều chết đến hơn chục tấn, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. 

Theo phản ánh của người dân tại xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh), nhiều ngày trước, nước sông Cầu chảy qua địa phận xã này bắt đầu chuyển màu đen và đỏ, có mùi khó chịu. Các lồng nuôi cá ở đây cách cống tiêu Đặng Xá khoảng 7 - 8 km, nơi thải nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê (do tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý của các sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy tái chế giấy ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) ra sông Cầu.

Tương tự, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Cầu thuộc xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cũng bị chết bất thường, hàng loạt.

Trước tình hình trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Trong đó, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương rà soát, kiểm tra xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; kiểm soát và điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá - nơi thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu một cách hợp lí để đảm bảo dòng chảy và không làm gia tăng ô nhiễm chất lượng nước sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Bộ TN&MT cho biết sẽ xem xét việc tổ chức cuộc họp trực tiếp với UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Cầu nêu trên, trong trường hợp đó Bộ sẽ thông báo chủ trương trước cho UBND 2 tỉnh biết và chuẩn bị.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng vừa ban hành Công văn số 921/UBND-NN.TN đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp cùng Sở TN&MT Bắc Giang và các cơ quan liên quan của tỉnh Bắc Giang xử lý sự việc trên.

Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh tăng cường trinh sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có hoạt động xả thải không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu, báo cáo kết quả hàng tháng với Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

UBND TP Bắc Ninh phải sớm hiệu chỉnh giai đoạn I của hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê để đảm bảo xử lý nước thải tăng công suất thiết kế và quy chuẩn môi trường.

Cùng đó, các sở ngành theo chức năng kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất về bảo vệ môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy, xây dựng… Tiến hành đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất vi phạm các quy định của pháp luật.

Ô nhiễm nhiềm năm

Theo thông tin từ Sở TN&MT Bắc Giang, hiện tượng nước sông Cầu chuyển màu, mùi hôi thốc bốc lên và cá chết hàng loạt bắt đầu từ năm 2016. Sau đó, Sở TN&MT Bắc Giang đã khảo sát và gửi mẫu đến Bộ TN&MT, đề nghị bộ này kiểm tra, đánh giá để có phương án giải quyết kịp thời.

Dựa trên đề nghị đó, trong năm 2016, Bộ TN&MT đã lập đoàn công tác để kiểm tra, xác định nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ huyện Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm chảy vào.

Cụ thể, nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy làm giấy ở xã Phú Lâm, cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, CCN Phong Khê (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh).

Cùng với việc xác định nguồn ô nhiễm, Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm.

Năm 2017, Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh đã cùng các cơ quan chức năng tiến hành cải tạo sông Ngũ Huyện Khê, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn ở CCN Phú Lâm và làng nghề giấy Phong Khê...

Được biết, hệ thống xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được khoảng 3.000 m3/ngày đêm, trong khi tổng lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trong phường Phong Khê lên đến 10.000m3/ngày đêm. Đó là chưa tính đến lượng nước thải 4.000m3/ngày đêm từ CCN Phú Lâm cũng chưa được xử lý.

Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, lưu vực sông có diện tích 6.030km2, có tổng chiều dài các nhánh sông khoảng 1.600km bao gồm gần như toàn bộ các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và một phần các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hà Nội. Để bảo vệ dòng sông, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu”. Mục tiêu là từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng nước; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách; thiết lập mô hình quản lý môi trường lưu vực phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Cùng với những biện pháp kém hiệu quả từ chính quyền, nước sông Ngũ Huyện Khê vẫn tiếp tục bị ô nhiễm và sông Cầu cũng chung tình cảnh. Hệ quả, hàng chục nghìn người dân của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sống trong cảnh khổ sở vì nước sông Cầu - một trong 5 con sông dài nhất miền Bắc đang bị ô nhiễm nặng nề.

Đến nay, sau sự việc cá chết như đã nêu trên, Bộ lại tiếp tục có đề nghị tỉnh xử lý, tỉnh cũng đã ra công văn yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc. Nhưng hiệu quả đến đâu, thì vẫn là câu hỏi!

Hồng Nhung

Theo Đời sống
back to top