<div> <p>Chưa đầy 72 tiếng sau ngày bầu cử toàn quốc, Bộ Nông nghiệp <span>Mỹ</span> đã gửi đến Nhà Trắng một dự thảo quy định quản lý gây tranh cãi.</p> <p>Theo đề xuất về "Tốc độ tối đa cho dây chuyền theo hệ thống thanh tra gia cầm mới", những cơ sở chế biến thịt gia cầm tại Mỹ sẽ được phép tăng tốc dây chuyền sản xuất. Ý tưởng này đã được Tổng thống Trump ủng hộ từ năm 2017, trái ngược với lập trường của chính phủ tiền nhiệm.</p> <p>Tổng thống Barack Obama từng bác bỏ đề nghị tương tự từ những nhóm vận động hành lang, với lo ngại về mức an toàn cho người lao động và rủi ro vệ sinh thực phẩm.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Chinh phu Trump bao ve di san chinh sach anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/17/znews-photo-zadn-vn_di_san_chinh_sach_trump.jpg" title="Chính phủ Trump bảo vệ di sản chính sách ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Giới quan sát dự báo chính phủ của Tổng thống Trump sẽ ban hành một loạt quy định mới trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ảnh: <em>Getty.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Bộ Nông nghiệp Mỹ không phải là cơ quan duy nhất trình dự thảo "vào phút 90" của nhiệm kỳ Tổng thống <span>Donald Trump</span>. Theo thống kê của <em>NBC</em>, Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng đang đánh giá đến 145 quy định quản lý mới<em>. </em></p> <p>Nhiều dự thảo quy định với sức tác động lớn - cả về kinh tế, môi trường, y tế công và an ninh ở cấp độ liên bang lẫn địa phương - có thể được Nhà Trắng đánh giá trong vài ngày tới.</p> <p>Một số đề xuất nhiều khả năng sẽ được thông qua trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ vào trưa 20/1/2021, thời điểm Tổng thống tân cử Joe Biden chính thức nhậm chức.</p> <h3>Chạy đua với thời gian</h3> <p>Trả lời <em>NBC</em>, nhiều chuyên gia dự báo sẽ có một loạt quy định quản lý được thông qua trong vài tuần tới.</p> <p>Chiến lược bảo vệ di sản chính sách như vậy đã được các đời tổng thống Mỹ, thuộc cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, thực hiện từ thời của Jimmy Carter.</p> <p>"Họ đang chạy đua với thời gian", Nicolas Loris, nhà kinh tế học chuyên về năng lượng và môi trường của Quỹ Heritage, chia sẻ.</p> <p>"Họ cần hoàn tất trước hạn chót, nhưng cũng cần đảm bảo các quy định có thể sống sót trước bất kỳ thách thức nào về pháp lý", ông nói.</p> <p>Trong danh sách dự thảo quy định quản lý đang được Nhà Trắng xem xét, một số chính sách chắc chắn vấp phải phản đối từ chính phủ trong tương lai của ông Joe Biden.</p> <p>Điển hình là đề xuất giới hạn thời hạn visa cho sinh viên nước ngoài, những rào cản đưa khoa học vào chính sách bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hay ý định nới lỏng biện pháp bảo vệ người lao động trong quan hệ với doanh nghiệp.</p> <p>Nhận định về dự thảo ngày 6/11 từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, chuyên gia Deborah Berkowitz của Dự án Luật Tuyển dụng Quốc gia, một nhóm bảo vệ người lao động Mỹ, nhận định: "Rõ ràng họ đang chạy đua. Chính phủ Trump đã quyết định nhân nhượng với ngành gia cầm. Họ đang thực hiện điều này rất nhanh chóng ngay phút cuối".</p> <p>Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã bác bỏ những chỉ trích rằng cơ quan này muốn đẩy nhanh ban hành luật trong những ngày cuối nhiệm kỳ.</p> <p>Thông cáo ngày 15/11 từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng phản bác những nhận định cơ quan này tìm cách "làm luật lúc nửa đêm" là "không đúng sự thật và ngớ ngẩn".</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Chinh phu Trump bao ve di san chinh sach anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/17/znews-photo-zadn-vn_di_san_chinh_sach_trump_2.jpg" title="Chính phủ Trump bảo vệ di sản chính sách ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Tổng thống Trump ký duyệt Đạo luật Cắt giảm và Cải cách Thuế vào cuối năm 2017. Ảnh: <em>New York Times.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Khó đảo ngược chính sách</h3> <p>Các tổng thống Mỹ có thể vô hiệu sắc lệnh hành pháp của người tiền nhiệm một cách dễ dàng. Tuy nhiên, những quy định được đưa hoàn chỉnh vào hệ thống pháp luật lại là thử thách khó khăn hơn. Để đảo ngược những văn bản này, ông Joe Biden sẽ cần đến phán quyết tòa án hoặc trải qua một quy trình ban hành luật tốn rất nhiều thời gian tương tự.</p> <p>"Chính phủ kế nhiệm phải vượt qua khó khăn rất lớn. Dù cho quy định chưa có hiệu lực, việc đảo ngược quy định một khi chúng đã được ban hành sẽ khó hơn rất nhiều", Shev Dalal-Dheini, lãnh đạo của Hiệp hội Luật sư Di trú Mỹ, chia sẻ.</p> <p>Lưỡng vện Mỹ có khả năng đảo ngược quy định của chính phủ nhanh hơn bằng cách vận dụng Đạo luật Đánh giá lại của Quốc hội (CRA). Trong 2 năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump, những nhà lập pháp đảng Cộng hòa nhờ chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện đã vô hiệu hóa thành công một loạt quy định mà Tổng thống Obama để lại.</p> <p>Vẫn chưa thể nói trước ông Biden có dùng được phương án này sau ngày 20/1/2021 hay không. Dù đảng Dân chủ đã bảo vệ được thế đa số ở Hạ viện, cục diện ở Thượng viện vẫn chưa ngã ngũ khi còn hai ghế thượng nghị sĩ ở bang Georgia chờ người dân bỏ phiếu lại vào ngày 5/1/2021.</p> <p>Nếu đảng Cộng hòa bảo vệ thành công Georgia và vị thế đa số của mình tại Thượng viện, ông Joe Biden và phe Dân chủ sẽ không thể đảo ngược chính sách dưới thời Tổng thống Trump bằng quyền lực của nhánh lập pháp.</p> <p>"Những quy định này giống như bẫy ngầm vậy. Bạn phải tìm ra toàn bộ và vô hiệu hóa chúng. Trong khi đó, bạn không thể xúc tiến cương lĩnh hoạt động của mình", James Goodwin, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Cải cách Cấp tiến (CPR), nhận định.</p> <p>Jack Beermann, chuyên gia luật hành chính của Đại học Boston, cũng lưu ý rằng việc tăng tốc ban hành chính sách là điều dễ hiểu vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của các chính phủ Mỹ. Điều này càng rõ hơn đối với những tổng thống chỉ có một nhiệm kỳ.</p> <p>Beermann lưu ý rằng phần lớn các chính phủ trước đây đều nỗ lực đến phút cuối để ban hành thêm quy định pháp luật.</p> <p>Theo <em>NBC</em>, Tổng thống Barack Obama cũng từng phê duyệt một loạt quy định sau khi ông Donald Trump đắc cử vào năm 2016.</p> <p>Lưỡng viện của đảng Cộng hòa khi đó đã báo trước kế hoạch vô hiệu hóa những quy định mà ông Obama để lại sau khi ông Trump nhậm chức.</p> <figure class="video cms-video" data-video-src="https://znews-mcloud-bf-s2.zadn.vn/f7ryFXxnj-U/1ee7149040dea980f0cf/8b9c81471403fd5da412/720/19b395f568ba81e4d8ab.mp4?authen=exp=1605687197~acl=/f7ryFXxnj-U/*~hmac=e71fba99a32a3d15eaf19f16b2287048" false="" source-url="/video-cuoc-song-cua-tong-thong-my-sau-khi-het-nhiem-ky-nhu-the-nao-post1153361.html"> <div class="video-container formatted"> <video allowads="true" aspect="16:9" controls="controls" fullwidthmode="false" mediaid="19b395f568ba81e4d8ab" muted="" onlyvietnam="false" playsinline="" poster="https://znews-photo.zadn.vn/w660/Uploaded/qhj_jwrscslhfo/2020_11_15/tt.jpg" preload="none" src="https://znews-mcloud-bf-s2.zadn.vn/0mdYlnVrYNA/fb59f32ea7604e3e1771/ffcaf71162558b0bd244/480/19b395f568ba81e4d8ab.mp4?authen=exp=1605687197~acl=/0mdYlnVrYNA/*~hmac=fae3483d6570af848ff1a1f83f02f89f" theatermode="false" watermark="false"><source label="Auto" src="https://znews-mcloud-mpl-s2.zadn.vn/pDGtPrdcaKk/whls/vod/0/oCtC3QjgO610G4F1VJy/19b395f568ba81e4d8ab.m3u8?authen=exp=1605643997~acl=/pDGtPrdcaKk/*~hmac=0df7a8b38cc873d67767b46b53c023c3" type="application/x-mpegURL" /><source label="SD" res="480" src="https://znews-mcloud-bf-s2.zadn.vn/0mdYlnVrYNA/fb59f32ea7604e3e1771/ffcaf71162558b0bd244/480/19b395f568ba81e4d8ab.mp4?authen=exp=1605687197~acl=/0mdYlnVrYNA/*~hmac=fae3483d6570af848ff1a1f83f02f89f" type="video/mp4" /><source label="HD" res="720" src="https://znews-mcloud-bf-s2.zadn.vn/f7ryFXxnj-U/1ee7149040dea980f0cf/8b9c81471403fd5da412/720/19b395f568ba81e4d8ab.mp4?authen=exp=1605687197~acl=/f7ryFXxnj-U/*~hmac=e71fba99a32a3d15eaf19f16b2287048" type="video/mp4" /></video> </div> <figcaption><strong><span>Cuộc sống của tổng thống Mỹ sau khi hết nhiệm kỳ như thế nào?</span></strong> Sau khi rời khỏi Nhà Trắng, các cựu tổng thống Mỹ được trả lương hưu là <abbr class="rate-usd">210.700 USD</abbr>/năm. Ngoài ra, họ được cử vệ sĩ để đảm bảo an toàn đến suốt đời.</figcaption> </figure> </div> <p> </p>