Chính phủ muốn bỏ đấu thầu sản xuất phim

Đa số thành viên Chính phủ thống nhất với phương án sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình dự án luật.

Đa số thành viên Chính phủ thống nhất với phương án “Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng", nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm khác.

Tiếp tục phiên họp thứ ba, sáng 14/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tại tờ trình dự án luật được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày, một trong các vấn đề có ý kiến khác nhau được tách riêng xin ý kiến Quốc hội là quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước .

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Sản xuất phim theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng. Lý do, phim là tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, sản xuất phim mang đặc thù riêng, không thể chia cắt đứt đoạn, không thể đấu thầu kịch bản. Trình tự, thủ tục theo cơ chế đấu thầu qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng phim.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa tác giả kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất khó có được thoả thuận để thực hiện hình thức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà sản xuất khác, không sở hữu kịch bản, để thực hiện bộ phim. Đối với các nhà thầu thực hiện dự án sản xuất phim, đồng thời là đơn vị sở hữu bản quyền đối với kịch bản được lựa chọn đưa vào sản xuất, các quy trình thẩm định và phê duyệt ngân sách theo hình thức đấu thầu kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, hạn chế chủ động, sáng tạo, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, phương án 1 hiện còn những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công.

Phương án 2: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu, là phương án giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim). Đấu thầu sản xuất phim thực hiện theo Luật Đấu thầu và Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8/ 4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với dự án sản xuất phim.

Tuy nhiên, từ khi Luật Điện ảnh ra đời, chưa thể thực hiện việc đấu thầu sản xuất phim do gặp nhiều khó khăn, như đã trình bày tại phương án 1, ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hùng cho biết, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1: “Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng”.

Cơ quan chủ trì soạn thảo mong được các Bộ, ngành, các cơ quan ủng hộ phương án này để khắc phục những bất cập trong thời gian qua khi phải xin cơ chế đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Thẩm tra dự án luật, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội lựa chọn phương án 2 và cho rằng, thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với Luật Đấu thầu.

Có ý kiến đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết.

Quan điểm của cơ quan thẩm tra được các ý kiến tại phiên thảo luận đồng tình.

Nhận xét phương án 1 tại dự thảo luật là từ cực nọ nhảy sang cực kia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu bây giờ bỏ đấu thầu vì trước kia đấu thầu không được thì sẽ tự mình bó mình.

Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định dự thảo luật "đi từ thái cực nọ sang thái cực kia mà không có lý luận gì cả". Ông Định cho rằng, con đường chưa có người đi thì phải tìm cách để có người đi chứ không phải xóa con đường.

Tiếp thu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng bỏ đấu thầu không phải đi từ cực này sang cực kia mà vì mấy năm qua không có ai đấu thầu cả, tìm hiểu nguyên nhân là do kịch bản luôn gắn với đơn vị sản xuất chứ không có sẵn ngân hàng kịch bản.

Tuy nhiên, Trưởng ban soạn thảo dự án luật khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận để phân loại phim nào sẽ đấu thầu, phim nào không.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021).

Theo baodautu.vn
back to top