Ngày 13/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về phương án bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 trong nước cho các bộ, ngành, địa phương.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung một phần vốn thuộc chương trình phục hồi kinh tế để phân bổ trước cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Số vốn đề nghị bổ sung gần 18.350 tỷ đồng. Việc điều hòa vốn này để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân vốn của kế hoạch đầu tư công, trong khi các dự án thuộc gói phục hồi cần có thêm thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Nêu quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, số tiền 18.350 tỷ đồng cho 265 nhiệm vụ, dự án thì ước tính mỗi dự án bình quân được rót 68 tỷ đồng. Mỗi nơi chỉ được vài tỷ đồng thì "sẽ phân tán, dàn trải".
Ông cho rằng số vốn đề nghị bổ sung chỉ hơn 18.350 tỷ đồng là quá ít, khó giúp đạt các mục tiêu của gói phục hồi kinh tế". Cùng đó, danh mục cụ thể các nhiệm vụ, dự án tổng thể của gói phục hồi kinh tế hiện vẫn chưa có.
Theo ông, nội dung nào đã rõ thì chấp nhận, chưa rõ, chưa đúng tinh thần Nghị quyết, đề nghị Chính phủ rà soát và trình lại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
"Không vì các bộ, ngành làm chậm mà chúng ta lại quyết định những thứ không đúng quy định, nguyên tắc, rồi sau này khi ra Quốc hội sẽ bị phê bình vì làm không hết trách nhiệm" - ông Huệ nhấn mạnh.
Thẩm tra, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn, không để tình trạng bổ sung vốn mà không đảm bảo giải ngân số vốn tăng thêm, sau đó phải chuyển nguồn, kéo dài sang năm sau. Bởi việc dùng vốn như vậy sẽ không hiệu quả.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cho biết cơ quan này kiến nghị chỉ bổ sung vốn cho 255 dự án, số tiền hơn 16.923 tỷ đồng. Đây là các dự án có khả năng giải ngân, hoàn thành trong 2022 - 2025. Số tiền còn lại 1.410 tỷ đồng cho 5 dự án hoàn thành sau năm 2025 sẽ không được bổ sung vốn. Chính phủ cần hoàn thiện tổng thể danh mục dự án của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sau khi có danh mục dự án của gói phục hồi kinh tế, rồi mới điều hoà vốn cho các dự án trọng điểm sẽ "ra tấm ra món".
"Tôi đề nghị chưa xem xét vấn đề này. Mặc dù là gấp nhưng với cách thức này, chưa đủ điều kiện, chưa đáp ứng yêu cầu thì chưa xem xét", ông Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn tiến độ giải ngân chậm của những tháng đầu năm 2022 và hiện còn gần 38.600 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được giao chi tiết. Ông đề nghị Chính phủ báo cáo rõ địa chỉ nào, ngành nào, ở đâu và công bố công khai để người dân biết.
Thay mặt Chính phủ giải trình sau đó, ông Trần Huy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, cho biết hiện có 11 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương chưa hoàn thiện giao vốn chi tiết năm nay.
Là cơ quan đầu mối, đôn đốc các cơ quan, địa phương, ông Đông nói "Bộ nhận trách nhiệm vì chưa sâu sát".
Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát toàn bộ số vốn không phân bổ chi tiết được vào 31/3. Song thực tế đã qua thời hạn này, nhiều nơi chưa rà soát được. Vì thế, hạn chót Chính phủ đưa ra với các nơi là 30/6, phải hoàn thành việc rà soát để phân bổ vốn. Sau thời điểm này nếu nơi nào chưa rà soát xong sẽ điều chuyển vốn sang các nơi khác đang cần và làm tốt hơn.
Vướng mắc chính khiến phân bổ vốn chậm, theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư là do các dự án khởi công mới chưa hoàn thành thủ tục. Theo quy định phải có quyết định đầu tư, các thủ tục liên quan mới đưa vào phân bổ vốn chi tiết.
Chính phủ đã lập 6 tổ công tác, kiểm tra tại các "địa chỉ" có phân bổ vốn trung ương dưới 18% để đôn đốc triển khai, và báo cáo Thường vụ Quốc hội. "Ở đây có lỗi của các bộ, ngành, địa phương chưa tích cực khi Chính phủ đã có các công điện, nghị quyết phiên họp hàng tháng", ông cho hay.
Ngay như Bộ Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan chủ trì, hiện cũng còn 184 tỷ đồng chưa phân bổ được, do chưa xong thủ tục. "Đến 30/6 nếu bộ chưa thực hiện được thì sẽ điều chuyển cho các bộ, ngành khác", ông Đông nói.