Tại văn bản chỉ đạo về dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Uỷ ban quản lý vốn và các đơn vị khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. "Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải làm rõ cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư cho từng danh mục công trình cụ thể", văn bản truyền ý kiến của Phó thủ tướng nêu.
Trường hợp giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, là nhà đầu tư dự án này thì các bên cần làm rõ căn cứ pháp lý để đưa công trình vào sử dụng trong năm 2020. Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: TSN |
Tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Công ty Tư vấn ADP-I (Pháp). Theo phương án này, một nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía nam (tức phía nhà ga hiện hữu) với diện tích sàn 200.000 m2. Nhà ga có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.
Diện tích đất phía bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.
Liên quan tới việc xây thêm nhà ga T3, một hạng mục thuộc dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện ACV và Tập đoàn FLC đều mong muốn được đầu tư, xây nhà ga này.
Tuy nhiên phương án ACV rõ ràng hơn khi đã có nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi về đầu tư dự án nhà ga T3, còn FLC mới là "đề nghị chưa có nghiên cứu cụ thể". Trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư, ông Đông nói, sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh.