Ong bầu (tên khoa học Xylocopa) là một chi trong phân họ Xylocopinae, bao gồm những loài ong lớn phân bố trên toàn cầu. Theo các nhà nghiên cứu sinh học, ong bầu có màu xanh đen, bụng phình to. Ong bầu sống đơn lẻ hoặc thành đàn nhỏ. Tổ của nó là các ống tre.
Lùng mua ong bầu với giá cao
Thời gian gần đây, ong bầu được các thương lái thu mua với giá 4 triệu đồng/kg, đã kích thích nhiều người dân tham gia cuộc săn lùng loài ong này. Các hội nhóm online chuyên mua bán ong bầu và thương lái tận tình hướng dẫn người dân bẫy ong bầu bằng thuốc dụ ong mà họ bán với giá 300.000 đồng/kg.
Đóng vai người đi bắt ong bầu, liên hệ với chủ tài khoản Facebook Phước Hải (ở tỉnh Long An), người này cho biết, từ đầu vụ đến giờ, anh thu mua trên 1 tấn ong bầu khô. Thậm chí, có đầu mối ở Vĩnh Long thu mua hơn 5 tấn ong bầu trong vụ này.
Thu mua ong bầu và cung cấp thuốc dụ ong được quảng cáo công khai trên các hội nhóm online. Ảnh chụp màn hình. |
Khi hỏi làm sao có thể bắt được nhiều ong bầu để bán, chủ tài khoản này tận tình chia sẻ, người đi bắt ong bầu thường dùng thuốc đã pha sẵn, mua từ bên Trung Quốc về, trộn với đường vàng rồi đốt. Ong đang đi kiếm ăn trong bán kính khoảng 10 km, ngửi thấy mùi thơm của thuốc sẽ bay đến, dùng vợt bắt về, phơi 2 - 3 nắng đem bán.
“Thuốc này có mùi thơm như phấn hoa, không hề có độc, do đầu mối thu mua ong bên Trung Quốc cung cấp. Mình chỉ cần đập nhỏ ra bằng nửa hạt gạo, trộn với đường vàng rồi đốt. Giá thuốc pha sẵn là 300.000 đồng/kg. Tùy kỹ thuật và địa điểm có nhiều ong hay ít, có người đốt hết nửa ký thuốc là thu được cả ký ong”, Phước Hải thông tin.
Theo anh Phước Hải, số lượng ong càng nhiều, giá càng cao do đủ số lượng sẽ bán đi luôn, không phải gom hàng, tránh hao hụt. Với số lượng dưới 5 kg, anh Hải mua với giá 4 triệu đồng/kg, từ 4,1 - 4,2 triệu đồng/kg trên 5 kg.
Chiêu trò thu gom, thổi giá
Là thợ rừng có gần 20 năm kinh nghiệm đi săn ong rừng, ông Nguyễn Văn Sáu (trú ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, ong bầu là loài ong thườthương láing sống trong thân cây tre, luồng. Mỗi con ong chỉ làm tổ ở một đốt tre. Nhiều người bắt được ong bầu thường mang ngâm rượu, chữa thấp khớp, phong ngứa, nhức mỏi…
Tuy nhiên, tác dụng của việc ngâm rượu ong bầu nói chung vẫn chưa có nghiên cứu khoa học chuyên sâu, mà chỉ là dựa theo kinh nghiệm dân gian nên chưa thể khẳng định hiệu quả chữa bệnh.
“Cách đây khoảng 10 năm, tôi thấy nhiều người thu mua ong bầu với giá 5.000 đồng/con rồi. Bẵng đi mấy năm, năm nay lại sốt trở lại với giá vài triệu đồng/kg. Không biết họ thu mua về để làm gì?”, ông Sáu nói.
Những điều ông Sáu chia sẻ cũng là thắc mắc chung của nhiều người dân đang quan tâm trước thực trạng người dân bắt ong bầu theo kiểu “tận diệt”, để bán kiếm lời.
Ong bầu là loài ong giúp thụ phấn cho hoa màu nhưng đang bị săn bắt theo kiểu “tận diệt”, để bán kiếm lời. Nguồn: IT. |
Theo ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam - việc bắt hết ong bầu là tận diệt con giống, giết hết loài thụ phấn cho cây trồng. Cà, mướp… sẽ mất mùa do không được thụ phấn hoa. Người dân cần cảnh giác hơn với việc ảnh hưởng mùa màng, lũng đoạn thị trường lương thực.
Thời gian qua, lực lượng chức năng một số địa phương đã có văn bản cảnh báo về chiêu trò của thương lái trong việc thu mua các loại côn trùng với giá cao bất thường. Ban đầu, các đối tượng tự nghĩ ra sản phẩm gần như vô giá trị và ai cũng có thể kiếm được như đỉa, ốc bươu, giun đất... Họ dùng thủ đoạn mua bán nhỏ lẻ để tạo niềm tin, sau đó tăng giá và yêu cầu mua số lượng lớn.
Sau một thời gian, các thương lái thấy những thứ đó rất dễ kiếm mà lại bán được nhiều tiền, nên thu gom mua của dân với giá rẻ hơn rồi bán lại cho thương lái Trung Quốc.
Sau khi đã ôm đủ số lượng hàng và hàng của dân cũng khan dần, thương lái Trung Quốc sẽ tăng giá thu mua lên gấp nhiều lần. Lúc này, thấy béo bở, các thương lái trong nước lại càng lùng sục mua bằng được, sẵn sàng trả giá cao cho người bán.
Lợi dụng tâm lý đó, các thương lái Trung Quốc sẽ âm thầm mở kho hàng ban đầu ra, giả vờ là điểm thu gom của dân rồi bán lại cho thương lái của ta với giá cao hơn giá mua lúc trước.
Khi xả hết, họ bất ngờ thông báo không thu mua nữa. Lúc đó, thương lái của ta không kịp trở tay, lỗ nặng vì mặt hàng đó vô giá trị, không bán được cho ai.
Những năm trước, thương lái Trung Quốc từng ồ ạt thu mua những thứ lạ đời chưa từng thấy. Ở Phú Yên, thương lái thu mua thân cây sắn. Nông dân đồng loạt chặt cây, từng cánh đồng sắn bị tận diệt không thương tiếc.
Ở TP HCM, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…, họ thu mua đỉa, gây nên phong trào nuôi đỉa, khiến bà con nông dân bỏ cả việc đồng áng, nhà nhà đi săn đỉa, người người đi thu gom đỉa để “làm giàu”. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi thấy người dân đã tích trữ được một khối lượng đỉa rất lớn, những “con buôn” này đột ngột ngừng mua, đẩy người dân vào thế điêu đứng vì đã trót đầu tư.