Ngày 16/4, Đảng đoàn, Đảng ủy Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại" nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người làm việc tại Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu TTXVN. |
Cột mốc bằng vàng
Báo cáo viên tại hội nghị, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tập trung 5 nội dung.
Đó là: Tại sao lại có Điện Biên Phủ; Tại sao hai bên Pháp và Việt Nam cùng chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược, trước đây không có trong kế hoạch tác chiến Navarre, cũng như kế hoạch tác chiến 1953-1954 của chúng ta? Tác giả của phương châm chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc; Điểm đặc sắc nghệ thuật quân sự làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ; Sức mạnh của Việt Nam và tầm vóc thời đại của chiến thắng.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho hay, sau 70 năm, các nhà nghiên cứu càng nhận thấy rõ, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện có một không hai trên thế giới. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, đây là cột mốc bằng vàng của lịch sử, đánh dấu nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã.
Quang cảnh hội nghị ngày 16/4. |
Tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ
Về sức mạnh của Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh, chiến dịch là sự kết tinh cố gắng của toàn dân, toàn quân với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Các tỉnh ở Bắc Bộ, ngay cả địa bàn Tây Bắc, dồn sức cho Điện Biên Phủ với tâm niệm đây là trận đánh quyết định. Trong đó, tỉnh đóng góp nhiều nhất là Thanh Hóa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta có đường lối rất đúng đắn. Đó là tập hợp được quần chúng Nhân dân, đoàn kết lại tạo nên sức mạnh.
“Nếu không có sự đóng góp của Nhân dân, 26 vạn dân công, hơn 5 vạn bộ đội cũng rất khó khăn trong việc làm nên chiến thắng. Sức mạnh Việt Nam chính là lần đầu tiên chúng ta đánh thắng hình thức tập đoàn cứ điểm”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. |
Tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, thể hiện ở hai khía cạnh. Đầu tiên, chưa bao giờ trong lịch sử quân sự thế giới, một quân đội, một dân tộc như Việt Nam ở thời điểm đó đánh thắng, bắt sống hơn 10.000 quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Việc này có ý nghĩa rất lớn, do 80% chi phí chiến tranh Mỹ đảm nhận. Đánh thắng thực dân Pháp đồng nghĩa chúng ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ.
Khía cạnh thứ hai, chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp. Nó có sức lan tỏa, mang lại cảm hứng cho các dân tộc thuộc địa theo gương Việt Nam giành độc lập dân tộc.
Năm 1960, 16 nước ở Châu Phi tuyên bố giành độc lập. Từ năm 1962, nhân dân Angiêri bắt đầu đứng lên giành chính quyền từ thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ có sức cổ vũ rất lớn với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới.
“Người ta hiểu rằng, một dân tộc nhỏ bé nhưng có quyết tâm, đoàn kết, dưới sự lãnh đạo, đường lối đúng đắn, sẽ đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào. Đây chính là tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nói.