Chi tiết đặc biệt của chiếc ngai vàng bí ẩn nhất triều Nguyễn
Quốc Lê
Giới nghiên cứu đặt ra câu hỏi, liệu chiếc ngai vàng này có phải đã từng thuộc về một hoàng thái tử hay một hoàng đế trẻ tuổi của triều Nguyễn hay không?
Cố đô Huế còn bảo tồn được ba chiếc ngai vàng của nhà Nguyễn, trong đó ngai vàng đầu tiên đặt ở điện Thái Hòa, ngai vàng thứ hai nằm trong kho bảo quản của BT Cổ vật Cung đình Huế và ngai vàng thứ ba (trong ảnh) được trưng bày thường xuyên tại bảo tàng này.
Trong ba ngai vàng đã đề cập, hai chiếc ở BT Cổ vật Cung đình Huế đều nhỏ hơn chiếc ở điện Thái Hòa, nhưng kỹ thuật sơn, thếp vẽ vàng, chạm nổi hay chạm lộng các hoa văn trang trí có phần tinh xảo hơn.
Cả hai chiếc ngai được tạo hình khá giống nhau, như trên lưng ngai là hình tượng mặt trời.
Phía dưới là chữ "Thọ".
Hai bên thành là hai con rồng trong tư thế đạp mây.
Ngai vàng nằm trong kho của bảo tàng được xác định là vật phẩm được đặc chế dùng trong lễ đăng quang của hoàng đế Duy Tân vào năm Đinh Mùi (1907) khi ông mới 7 tuổi, trong khi nguồn gốc của chiếc ngai đang được trưng bày vẫn là ẩn số.
Từ việc hai chiếc ngai có kích thước và kiểu dáng giống nhau, giới nghiên cứu đặt ra câu hỏi, liệu chiếc ngai vàng thứ ba của Cố đô Huế có phải đã từng thuộc về một hoàng thái tử hay một hoàng đế trẻ tuổi của triều Nguyễn hay không?
Đến thời điểm hiện tại, ngai vàng trong điện Thái Hòa đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, còn ngai vàng của vua Duy Tân vừa được lập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu cao quý này.
Trong tương lai, việc xác định được nguồn gốc của chiếc ngai vàng thứ ba rất có thể sẽ là cơ sở quan trọng để đề nghị công nhận hiện vật này là Bảo vật quốc gia, như hai ngai vàng còn lại.
Mời quý độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa | VTV Travel.