Tăng trưởng cao, nhưng chất lượng kém đi
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý III/2019. Theo đó, VEPR lưu ý diễn biến các chỉ số sau 3 quý gần như đã bộc lộ rõ các vấn đề cả năm của bức tranh kinh tế trong nước.
PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - nhận định, đóng góp chính của tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng trưởng 9,56% so với cùng kỳ. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tỏ ra “hụt hơi” so với mọi năm với mức tăng trưởng yếu - ở mức 2,02% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, hầu hết các ngành sản xuất (Xây dựng, Công nghiệp chế biến chế tạo) giữ nguyên hoặc suy giảm đôi chút, ngành khai khoáng lại cho thấy sự gia tăng đáng chú ý. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, khai thác khoáng sản tăng trưởng âm thì trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 2,68% (đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP). Điều này phần nào cho thấy sự tăng trưởng kinh tế đang phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên.
Bên cạnh đó, ngành chế biến chế tạo (chủ yếu là dệt may, da giày, linh kiện điện tử) cũng có sự suy giảm trong tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ số tồn kho đang có xu hướng tăng cao. Năm 2018 chỉ số này khoảng 8%. Năm nay chỉ số tồn kho đã tăng hơn 17%. Điều này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và thu hẹp quy mô sản xuất.
Mặt khác, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) suy giảm trong kỳ và kết thúc ở mức 50,5 điểm vào cuối tháng 9/2019, mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Số lượng đơn hàng mới tăng thấp nhất trong 3 năm, doanh thu bán hàng ở nước ngoài giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu thị trường. Do vậy, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng: “Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 bằng với năm ngoái nhưng chất lượng tăng trưởng có phần kém đi, bức tranh kinh tế không hoàn toàn là màu hồng”.
Cũng theo báo cáo của VEPR, dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đạt 3,57% trong Quý 3/2019. Sự cạnh tranh tăng cao khiến lượng vốn đầu tư vào Việt Nam không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn được giải ngân ở khu vực FDI tăng cao, đạt 7,3% so với cùng kỳ.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ lo ngại về việc suy giảm trong tăng trưởng sản lượng của Samsung 9 tháng đầu năm nay. Chỉ số này chỉ khoảng 6% so với năm trước và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Ngành du lịch cũng chứng kiến sự suy giảm trong tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế, chủ yếu là do lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc sụt giảm. Ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi, thời tiết khắc nghiệt hơn. Xuất khẩu nông sản sang EU và Trung Quốc cũng khó khăn... Việc tạo dựng thể chế cho nền kinh tế số, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế đang có phần bị chậm lại.
"Chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc"
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm cao, nhưng chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng. Tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm. Tốc độ tăng tích luỹ tài sản thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước cũng đặt ra lo ngại về duy trì năng lực sản xuất trong tương lai.
Ông Dương cho rằng hiệu quả sử dụng nguồn lực ở khu vực công vẫn còn bất cập. Giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm còn chậm, thậm chí thấp hơn 2018. Hết tháng 9, số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.
Đặc biệt, chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc (với vốn đăng ký mới đạt hơn 2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chỉ thấp hơn Hàn Quốc), đi kèm với gia tăng nhập khẩu từ nước này cho thấy nghi ngại Việt Nam thành “bãi đáp” cho các doanh nghiệp Trung Quốc lẩn tránh các biện pháp áp thuế là rất có cơ sở.
Xu hướng chuyển dịch đầu tư này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề cạnh tranh, chèn ép của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước - vốn đã hiện hữu trong nhiều năm. Việt Nam không phân biệt đối tác đầu tư, nhưng thách thức chính là làm sao cân đối giữa yêu cầu sàng lọc dự án đầu tư với việc giảm các chi phí chính sách không cần thiết cho hoạt động đầu tư.
Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương mới đây của World Bank (WB) cũng nhận định, xuất nhập khẩu của Việt Nam dù được duy trì tốt, nhưng cũng không thể tránh khỏi tác động căng thẳng thương mại toàn cầu đang leo thang. Với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP lên đến gần 200% (năm 2018), Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ do độ bất định cao hơn và khả năng các chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn.
Theo WB, khi thặng dư thương mại với Mỹ tăng lên, Việt Nam còn có thế trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo hộ thương mại khác của Mỹ. Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi thay đổi về tình trạng kinh tế toàn cầu, do mở cửa thương mại mạnh mẽ, dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ tương đối hạn chế.
Căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng. Công cuộc tái cơ cấu DNNN và khu vực ngân hàng bị chậm lại có thể gây tác động bất lợi về tài chính, vĩ mô và làm suy giảm viễn cảnh tăng trưởng dài hạn.
Đánh giá về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 9 tháng đầu năm, đại diện WB cho rằng Việt Nam vẫn thu hút nhà đầu tư ngoại hơn nhiều nước khác trong khu vực. Dù vậy, "sự kết nối giữa FDI và khu vực tư nhân Việt Nam vẫn còn yếu", kỳ vọng chính phủ sẽ có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.