Chỉ được nuôi gấu có gắn chip

(khoahocdoisong.vn) - Tôi muốn nuôi gấu để kinh doanh mật gấu, xin hỏi có được phép không?

Hỏi: Tôi muốn nuôi gấu để kinh doanh mật gấu, xin hỏi có được phép không?

Nguyễn Văn Phương (Ninh Bình)

Bà Nguyễn Phương Dung, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV: Các cá thể gấu có nguồn gốc bất hợp pháp (từ trước 2005) chỉ được phép nuôi nhốt nếu cá thể gấu “có hồ sơ quản lý và gắn chip”. Nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nuôi, nhốt, vận chuyển trái phép gấu ngựa (tùy theo số lượng), có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù (đối với cá nhân). Do vậy, nếu bạn có nhu cầu nuôi gấu thì phải liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu mục đích để nuôi gấu lấy mật là hành vi bị lên án, cần phải được quản lý nghiêm ngặt.

Hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ chỉ có thể chấm dứt hoàn toàn tại Việt Nam khi có sự cam kết và vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là trong việc xử lý các trường hợp nuôi nhốt bất hợp pháp bị phát hiện trên địa bàn. Hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật không chỉ tàn nhẫn và gây tổn thương cho gấu mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam. Cả nước còn khoảng 369 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật trong đó Hà Nội là điểm nóng nhất về nuôi nhốt gấu với 162 cá thể, chiếm gần 44% tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước.

Đối với 2 loài gấu của Việt Nam: Gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (Helarctos malayanus) đều được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) cũng như được liệt kê trong Nhóm IB, loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Việc nuôi nhốt chúng là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo Đời sống
back to top