Chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng

(khoahocdoisong.vn) - Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, lành mạnh cùng với hoạt động thể lực tích cực giúp nâng cao sức khỏe trong mùa dịch. Dinh dưỡng thiếu, không cân đối, thiếu lành mạnh và lối sống tĩnh tại là nguyên nhân của nhiều bệnh mạn tính không lây, làm yếu chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, giảm sự phát triển thể chất, năng suất lao động.

Để có sức khỏe tốt, mỗi người cần thực hiện chế độ dinh dưỡng vừa đủ so với nhu cầu, tăng cường hoặc hạn chế với một số chất dinh dưỡng không tốt cho sức khỏe. Chế độ ăn hạn chế được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là chế độ ăn giảm muối, chất béo, chất đạm, chất bột đường…

Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, phối hợp từ 15 - 20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hằng ngày có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật, giảm tiêu thụ thịt các loại, tăng cường ăn cá, hải sản, đậu phụ và sản phẩm từ đậu đỗ. Hạn chế các loại thịt đỏ 70 - 80g/ngày/người như bò, heo, cừu... tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa, thịt gia cầm.

Để hạn chế sự gia tăng của các bệnh mạn tính không lây, người trưởng thành nên ăn chất đạm động vật chiếm tỷ lệ khoảng 30 - 50%, chất béo nguồn gốc thực vật là 30% so với tổng số chất béo. Tuổi càng cao thì nên ăn lượng protein từ động vật càng ít, cần bổ sung lượng protein hợp lý theo tỷ lệ là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật. Với trẻ nhỏ, nguồn đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy, lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý thì biện pháp tăng cường hoạt động thể lực và lối sống lành mạnh giúp trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ, nâng cao tầm vóc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, việc tập luyện thể dục đúng cách còn giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn, đặc biệt là với những trẻ ngủ không ngon giấc. Hơn nữa, thể dục còn giúp cho trẻ nâng cao các kỹ năng sống, giảm stress, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phụ huynh hãy khuyến khích trẻ tham gia các công việc nhà như quét dọn, lau dọn bàn ghế, sắp xếp đồ đạc, lau nhà, nấu ăn, rửa bát… chơi các môn thể dục thể thao trong nhà như đi bộ, nhảy dây, lắc vòng, tập xà đơn, chống đẩy… 

Hoạt động thể lực phải phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, không nên quá sức. Bình thường sau 20 - 30 phút hoạt động thể lực, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu sau thời gian trên mà cơ thể mệt mỏi, uể oải điều này chứng tỏ đã hoạt động quá sức. Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động cơ thể từ 5 - 10 phút.

Uống đủ nước theo nhu cầu từ 2,0 - 2,5 lít nước/người/ngày (nước từ các bữa ăn chính phụ, nước uống bổ sung). Nước uống bổ sung có thể dùng nước chanh, nước cam...

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng)

Theo Đời sống
back to top