Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị ung thư đầu - cổ

Ung thư đầu - cổ là loại ung thư phổ biển, đứng thứ 6 trong các nhóm ung thư trên toàn cầu. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố tiên lượng quan trọng với người bệnh.

Tại sao người bệnh ung thư đầu - cổ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Những người mắc ung thư đầu cổ có tỉ lệ suy dinh dưỡng lên đến 35-75%, thể trạng suy kiệt cũng chiếm tỉ lệ rất cao và gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề đến hiệu quả điều trị bệnh.

Trong quá trình điều trị, tuỳ vào giai đoạn và tình hình sức khoẻ cũng như vị trí khối u mà người bệnh sẽ được đưa ra các hình thức chữa trị khác nhau như xạ trị, hoá trị, phẫu thuật… Kèm theo với những phương pháp chữa trị này, người bệnh sẽ phải nhận lại nhiều tác dụng phụ.

Dễ nhận thấy nhất là bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần, buồn nôn, chán ăn. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đa dạng sẽ kích thích người bệnh ăn được nhiều hơn để có thể trạng tốt hơn.

Bệnh nhân cũng có thể gặp phải tình trạng giảm bạch cầu/ tiểu cầu/ hồng cầu. Vì vậy, cần nghiên cứu kĩ các chất dinh dưỡng trong bữa ăn của người bệnh ung thư đầu - cổ để kịp thời bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu hụt.

Đặc biệt, những bệnh nhân ung thư đầu - cổ thường sẽ gặp phải tình trạng sưng, khô, rát miệng, cứng hàm, khó nhai, khó nuốt.

Vì vậy, người bệnh cần được ăn thức ăn mềm, lỏng; uống đủ nước trong suốt cả ngày; nhai kẹo cao su không đường để giữ ẩm miệng; tránh các thực phẩm khô, cứng, cay, dính; và không sử dụng các loại thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

Không cho người bệnh ung thư đầu - cổ sử dụng thực phẩm có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.

Thay đổi thói quen ăn uống giúp cơ thể khoẻ mạnh, ngăn ngừa nguy cơ ung thư, hỗ trợ điều trị ung thư từ bên trong:

Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị ung thư đầu - cổ ảnh 1

Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị ung thư đầu - cổ

Những thực phẩm nên sử dụng

• Những thực phẩm chứa nhiều tinh bột: Gạo, khoai, bún, phở, miến

• Các thực phẩm chứa nhiều protein như thịt, cá, trứng, sữa

• Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa nhiều omega-3 như cá hồi, các chế phẩm từ hạt: Sữa hạnh nhân, sữa óc chó…

• Các loại dầu thực vật tốt cho sức khoẻ: Dầu oliu, dầu vừng, dầu lạc…

• Sử dụng nhiều các thực phẩm giàu vitamin E,A,C và các chất chống oxy hoá như: Cà rốt, rau ngót, rau muống, bí đỏ…

• Các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, giàu vitamin D, photpho như: Sữa, phomai, chuối, bơ, cá…

• Các loại trái cây tươi và ngọt như: Thanh long, đu đủ chín, táo…

Những thực phẩm nên hạn chế và không nên dùng

Hạn chế sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ như thịt nướng, thịt hun khói, các món xào, rán, quay… Hạn chế sử dụng những thực phẩm có nhiều muối như dưa muối, cà muối… Các loại thực phẩm cứng, cay, nóng cũng cần được hạn chế.

Không nên cho người bệnh ung thư đầu cổ sử dụng các thức ăn được chế biến từ dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần. Đặc biệt, các chất kích thích có trong rượu, bia, thuốc lá, cà phê, nước chè đặc, nước ngọt… cũng là một trong những “kẻ thù không đội trời chung” của bệnh ung thư đầu - cổ.

Lưu ý khi xây dựng thực đơn cho người bệnh ung thư đầu - cổ

• Duy trì chế độ ăn giàu năng lượng kèm luyện tập thể dục thể thao phù hợp và điều độ.

• Lựa chọn thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc xuất xứ, đa dạng mỗi ngày.

• Chế biến thanh đạm, ít gia vị, mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, sữa, sinh tố…

• Chia thành nhiều bữa ăn trong ngày, có thể từ 6-8 bữa/ngày

Các loại thức ăn lỏng như cháo, sữa, súp là lựa chọn tuyệt vời cho bệnh nhân ung thư đầu - cổ.

BS Hà Hải Nam (Bệnh viện K)

Theo Đời sống
back to top