Hội chứng thận hư thường do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận có nhiệm vụ lọc chất cặn bã và lượng nước dư thừa khỏi cơ thể. Khi bị thương tổn, những mạch máu này không còn đảm nhiệm được vai trò giữ lại chất protein trong máu, thận bài tiết quá nhiều protein vào nước tiểu, áp suất thẩm thấu trong máu giảm, gây ra phù thũng toàn thân.
Một chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh nhân hội chứng thận hư bao gồm ít muối, ít chất béo và ít cholesterol, tập trung vào các loại trái cây và rau quả. Đó là chế độ ăn giàu đạm, nhiều rau quả, đậu đỗ, ít béo, ít muối, ít mì chính, ít nước. Tổng calo phải đạt 1.800 - 2.000 Kcal/ngày.
Thực đơn cụ thể cho người mắc hội chứng thận hư:
Chất đạm: Protein cần thiết trong phát triển cơ bắp và chống nhiễm trùng cũng như duy trì sức khỏe tổng thể. Lượng protein và chất lỏng cho một bệnh nhân bị hội chứng thận hư nên phụ thuộc vào tình trạng bệnh, độ tuổi và cân nặng.
Để tìm ra chế độ ăn phù hợp cho bản thân, người bệnh cần tới một bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc một chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn. Một số nguồn thực phẩm chứa các protein nạc bao gồm thịt gia cầm, trứng (cân nhắc sử dụng vì hàm lượng cholesterol có trong trứng), cá, tôm, cua, các loại đậu... Cách tính cụ thể nhu cầu hàng ngày về đạm như sau: 1g/kg cân nặng/ngày + lượng mất qua nước tiểu trong 24 giờ.
Chất bột - đường: Nên ăn no đối với gạo mì, khoai củ, bổ sung đường, bánh gạo ngọt để đủ calo.
Chất béo: Cần ăn ít, dùng dầu cá, dầu đậu tương, bỏ mỡ, bơ, óc, lòng, phủ tạng vì chứa nhiều cholesterol. Hạn chế chất béo và cholesterol ở mức 2 quả trứng mỗi ngày, chỉ ăn lòng trắng hoặc sử dụng các thực phẩm thay thế trứng, ăn các loại thịt nạc; Sử dụng các loại dầu ăn lành mạnh như ôliu, dầu canola, dầu dừa, hoặc hướng dương; Hạn chế chất béo bão hòa (sữa, mỡ động vật) và chất béo trans (các loại dầu hydro hóa một phần trong thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn).
Natri (muối): Quá nhiều natri có thể gây tăng huyết áp và phù, hầu hết lượng natri trong chế độ ăn được cung cấp từ muối và thức ăn. Phần lớn mọi người đều tiêu thụ quá nhiều natri trong chế độ ăn hằng ngày.
Chất khoáng, vi lượng, vitamin và nước: Bổ sung bằng cách ăn nhiều rau quả, đậu đỗ. Bệnh nhân bị phù nhiều thì bớt gia vị mặn trong bữa ăn.
Lượng nước uống vào ít hơn lượng tiểu ra. Giảm phù thì tăng chất mặn và nước. Đi tiểu ít thì bớt rau quả để đề phòng kali máu tăng.
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai)