Chảy dịch liên tục sau rụng rốn sơ sinh, không ngờ polyp rốn

Sau khi dây rốn bị cắt sẽ để lại một đoạn ngắn ở rốn thường khô và rụng sau khoảng 10-15 ngày. Nếu sau khi dây rốn đã rụng mà xuất hiện một khối u hạt rốn ở dưới chân rốn thì đấy là trẻ bị polyp.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cho biết, các bác sĩ vừa chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp bé trai 10 tháng tuổi thoát khỏi tình trạng Polyp rốn.

Chảy dịch liên tục sau rụng rốn sơ sinh

Bé trai 10 tháng tuổi đã gặp phải tình trạng chảy dịch ở vùng rốn từ sau khi rụng rốn thời sơ sinh. Theo lời kể của mẹ, sau khi rụng rốn, vùng rốn của trẻ xuất hiện một khối lồi nhỏ bên trong và thường xuyên chảy dịch. Mặc dù đã được đưa đi khám và điều trị thuốc trong nhiều đợt, tình trạng này vẫn không cải thiện hoàn toàn.

Trong vòng một tuần gần đây, mẹ thấy vùng rốn của trẻ trở nên đỏ, ướt và tiếp tục chảy dịch. Tuy nhiên, bé không có dấu hiệu sốt, và các chức năng đại tiện, tiểu tiện vẫn bình thường.

Gia đình đã đưa bé đến khám tại Phòng khám Đa khoa Hùng Vương Sơn Dương, các bác sĩ chẩn đoán bé bị Polyp rốn, đồng thời chỉ định chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để xét nghiệm và có biện pháp can thiệp tiếp theo.

Chảy dịch rốn sau cắt hơn 10 tháng không ngờ polyp rốn - Ảnh BVCC

Chảy dịch rốn sau cắt hơn 10 tháng không ngờ polyp rốn - Ảnh BVCC

Sau khi nhập viện và tiến hành các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất chẩn đoán: bé bị Polyp rốn và có dấu hiệu còn tồn tại ống niệu rốn, một tình trạng bẩm sinh do sự không đóng kín hoàn toàn của ống niệu rốn sau khi trẻ chào đời.

Để làm rõ nguyên nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng, bác sĩ đã chỉ định chụp CT ổ bụng (CLVT) để có cái nhìn chi tiết hơn về tình trạng của bé.

Sau khi có kết quả chẩn đoán từ các xét nghiệm và hình ảnh chụp CLVT, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ polyp và nang niệu rốn cho bé. Đây là biện pháp cần thiết để loại bỏ khối polyp và xử lý tình trạng tồn tại ống niệu rốn, giúp bé tránh được những biến chứng có thể xảy ra trong tương lai.

Phẫu thuật được tiến hành an toàn, hiện tại bé đang được theo dõi sát và chăm sóc sau phẫu thuật tại Khoa Ngoại tổng hợp.

Polyp rốn là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tồn tại của ống niệu rốn. Tuy nhiên, với việc chẩn đoán kịp thời và can thiệp phẫu thuật đúng cách, tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm, giúp bé phát triển khỏe mạnh và không gặp phải biến chứng về sau.

Cẩn thận biến chứng

Các bác sĩ bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, Polyp rốn (U hạt rốn) là bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân là do còn tồn tại một phần niêm mạc ruột tại rốn không tiêu đi sau khi trẻ sinh ra. Bệnh nếu không được điều trị có thể gây nhiễm trùng rốn kéo dài. Vì vậy khi phát hiện bệnh cần cho trẻ đi khám và được điều trị sớm.

Thăm khám cho trẻ để phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho trẻ để phẫu thuật - Ảnh BVCC

Nguyên nhân của polyp rốn là do còn tồn tại một phần của niêm mạc ruột tại rốn. Bình thường, trong thời kỳ bào thai ruột của trẻ thông với rốn, trong tháng cuối của thai kỳ phần niêm mạc này phải tiêu đi, nếu phần này không tiêu sẽ gây ra tình trạng còn ống ruột rốn polyp rốn là một thể của bệnh còn ống ruột rốn.

Thông thường, sau khi dây rốn bị cắt sẽ để lại một đoạn ngắn ở rốn của em bé. Dây rốn này thường khô và rụng sau khoảng 10-15 ngày mà không có bất kỳ biến chứng nào. Nếu sau khi dây rốn đã rụng mà xuất hiện một khối u hạt rốn ở dưới chân rốn thì đấy là trẻ bị polyp.

Biểu hiện của polyp rốn là một khối mô ẩm và đỏ xuất hiện trên rốn, bố mẹ sẽ nhìn giống như rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt hay xuất hiện chồi rốn ở trẻ sơ sinh. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

Rỉ dịch có màu vàng, vùng áo, quần trước rốn thường xuyên thấm ít dịch máu; Rốn thường xuyên ẩm; Rốn và vùng xung quanh bị viêm có vẩy

Do tình trạng rốn bị ẩm thường xuyên nên tạo điều kiện cho rốn dễ bị nhiễm trùng, nếu có thì trẻ sẽ có các triệu chứng như sau:

- Trẻ bị sốt

- Đau hoặc khó chịu khi bố mẹ chạm vào rốn hoặc mô xung quanh

- Rốn bị sưng đỏ

- Chạm vào rốn thì thấy ấm

- Chảy mủ từ rốn

Tự điều trị cẩn thận biến chứng:

- Các biện pháp tự thắt chỉ vào polyp rốn, ủ muối…có thể gây nên các biến chứng không mong muốn.

- Polyp rốn trong một số hình thái bệnh lý cần phân biệt với bệnh còn ống niệu rốn. Việc chẩn đoán chính xác polyp rốn cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Nhi.

- Nếu trẻ có polyp rốn thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám và được điều trị. Nếu không điều trị thì từ polyp có thể dẫn nhiễm trùng rốn và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

- Trong trường hợp điều trị bằng nitrat bạc không hiệu quả hoặc u hạt rốn to, có cuống thì trẻ cần phải phẫu thuật để loại bỏ polyp rốn và ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng.

Theo VietnamDaily
back to top