Tầng hầm bức bí dễ gây cháy
Sáng 23/3, thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Quyền Giám đốc Phòng Cháy chữa cháy TP.CHM có mặt tại hiện trường vụ cháy chung cư Carina Plaza nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP.HCM cho biết, cơ quan chức năng đang di dời người dân khỏi chung cư này. Theo thông tin ban đầu, khoảng 1h rạng sáng 23/3, khi người dân chung cư Carina Plaza đang chìm trong giấc ngủ thì một số người phát hiện khói nghi ngút bốc lên tầng hầm của chung cư. Vụ cháy đã khiến 13 tử vong và hàng chục người bị thương. Công tác khắc phục sự cố đang được khẩn trương khiển khai.
TS vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, có một thực tế là đa phần các tầng hầm để xe của các tòa nhà chung cư, siêu thi rất thấp, chật chội, bí, không thoáng gió. Trong khi đó, mùi xăng luôn nồng nặc.
Theo khảo sát của TS Nguyễn Văn Khải thì đa phần các tầng hầm này có hệ thống điện rất sơ sài, dùng đèn compact là chính, các đầu nối điện thì cẩu thả, các chấn lưu đa phần luôn trong tình trạng nóng do bật cả ngày. Hơi nóng, bức bí, cộng với hơi xăng trong một không gian chật hẹp dẫn đến khả năng cháy rất cao. Đây là bài học để các khu chung cư, siêu thị… phải xem lại hệ thống điện của tầng hầm.
“Nhiệt độ cao liên tục sẽ làm các thiết bị điện như bóng đèn, quạt thông gió, chấn lưu, dây điện, các đầu nối… bị giảm tuổi thọ, dễ dẫn đến chập cháy. Ngoài ra, việc bảo vệ tầng hầm hút thuốc, hoặc người lái xe ô tô hút thuốc sau khi cất xe… cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cháy tòa nhà.
Mạng điện bố trí một cách sơ sài, đèn chiếu sáng sử dụng đèn compact thay vì đèn led, không bảo trì thường xuyên… là những lỗi mà rất nhiều khu chung cư, tòa nhà gặp phải. Hoặc trong không khí nóng, đầy mùi xăng ấy mà hút thuốc, sơ ý vứt tàn thuốc ra sàn nhà, cũng có thể gây cháy. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, khả năng cháy luôn chực chờ”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
Câu hỏi về senser nhiệt
TS Nguyễn Văn Khải cho biết, theo quy định thì ở tất cả các tòa nhà đều phải trang bị senser nhiệt báo cháy và chữa cháy. Các senser nhiệt này sẽ tự động nóng chảy, làm ngắt mạch điện để nước phun xuống nếu nhiệt độ các senser đo được vượt quá 68 độ C. Các senser này hình tròn, giống như cái bát, màu trắng, được gắn trên tường rất phổ biến ở các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là khu chung cư. Câu hỏi đặt ra là ở tòa nhà bị cháy có trang bị senser nhiệt này hay không? Nếu có thì vì sao chúng không hoạt động.
TS Nguyễn Văn Khải cũng cho biết, ở Việt Nam từ những năm 1978, ông cùng với các nhà khoa học như GS.TS Nguyễn Văn Vượng, PGS.TS Nguyễn Thanh Nghị đã sáng chế ra vật liệu BiTe (Bisbut Telua), là loại vật liệu dùng trong các senser nhiệt do chúng có thể nóng chảy ở nhiệt độ 68 độ C. Khi BiTe nóng chảy thì sẽ làm đứt mạch điện để khởi động hệ thống chữa cháy trong tòa nhà. Đáng tiếc là đến giờ sản phẩm không được ứng dụng do người ta thích mua đồ của nước ngoài. Trong khi đó, khi xảy ra sự cố thì không hiểu vai trò của các senser nhiệt này ở đâu.
“Một vấn đề nữa mà các chung cư, tòa nhà cao tầng hay gặp phải là cách bố trí đèn sai ở hành lang cầu thang. Việc lắp đèn ánh sáng trắng ở cầu thang sẽ khiến người bị nạn không thể di chuyển khi gặp sự cố như cháy, do khói trắng làm lóa đi ánh sáng. Một cách khoa học nhất là phải lắp bóng đèn ánh sáng vàng ở hành lang cầu thang bộ trong các tòa nhà. Nhưng xem những hình ảnh về tòa nhà bị cháy ở TP HCM thì các bóng đèn này đều có màu trắng. Đó là lý do người ta không thể tìm được đường thoát hiểm khi xảy ra cháy”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
“Việc dập lửa ở tầng hầm gần như là dễ nhất vì chỉ cần phun nước, mở van các vòi chữa cháy là có thể xử lý được ngay, nhưng không hiểu sao lại để gây ra hậu quả lớn như vậy. Hệ thống còi báo cháy ra sao, lan can, cửa thoát hiểm thiết kế thế nào… là những câu hỏi đặt ra”, TS Nguyễn Văn Khải.
Bảo Khánh